Nguyên nhân nào khiến cổ phiếu PPH giảm 40%?
Sau khoảng 1 năm lên sàn UPCoM, giá cổ phiếu PPG của Tổng CTCP Phong Phú đã sụt giảm khoảng 40%, hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 15.000đ/cp.
[caption id="attachment_98440" align="aligncenter" width="650"]
Trong quý 2/2018, doanh thu thuần của PPH tăng 33% từ 756 tỷ lên đến 1.004 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng 37% so với cùng kỳ năm trước do tăng dự phòng hàng tồn kho, khiến lãi gộp của PPH giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Về các hoạt động tài chính, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 16% nhờ tăng lãi bán các hoạt động đầu tư. Chi phí tài chính tăng thêm 38% vì tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá chưa thực hiện. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng thêm 37% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4% vì PPH tăng thêm chi phí cho nhân viên so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả quý 2/2018, lợi nhuận sau thuế của PPH đạt 83 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PPH đạt lần lượt 1.682 tỷ và 143 tỷ đồng, tăng 21% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt chỉ tiêu, 6 tháng đầu năm 2018, Công ty đã thực hiện 40% chỉ tiêu về tổng doanh thu và 61% chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế cả năm 2018.
So với số dư đầu năm 2018, lượng hàng tồn kho tăng thêm 37%, chi phí phải trả tăng thêm 50%.
Nhận định về năm 2018, Ban lãnh đạo PPH cho biết nguyên phụ liệu sẽ có nhiều biến động, cụ thể giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng tại Parkistan, Bangladesh và Việt Nam. Giá sơ polyester cũng có sự phục hồi nhẹ, dự báo sẽ tăng trong năm 2018. Mặt khác, xu thế hàng giá rẻ đã tạo nên làn sóng cạnh tranh về giá làm cho hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh do chi phí lao động, điện, vận chuyển… tăng. Đồng thời, triển vọng về Hiệp định thương mại tự do EVFTA chưa rõ ràng, nhiều khả năng chưa có hiệu lực trong năm 2018.
Với những dự báo trên, PPH đặt trọng tâm năm 2018 là mở rộng thị trường xuất khẩu, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean… Công ty sẽ tăng cường khai thác tại các thị trường Việt Nam có lợi thế như Bắc Mỹ, Australia…
Được biết, doanh thu xuất khẩu lũy kế 2 quý đầu năm 2018, Công ty ghi nhận 23,1 triệu USD, tập trung tại các sản phẩm chính như sợi, khăn, vải, may mặc… tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Thái Lan...
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc PPH cho biết: “Năm nay tỷ giá USD tăng cao là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh lĩnh vực này để hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa”.
Cách đây 1 năm, PPH đã lên sàn UPCoM với mã PPH với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu, đến nay, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, giá cổ phiếu này chỉ còn ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 1 năm cổ phiếu này đã mất 40% giá trị.
Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ giá cổ phiếu PPH sụt giảm mạnh là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không có gì đột biến, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, áp lực cạnh tranh lớn... Hơn nữa, bối cảnh chung của thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh cũng tác động tiêu cực đến cổ phiếu này.
PPH được thành lập từ năm 1964, có tiền thân là Khu Kỹ nghệ Sicovina - Phong Phú trực thuộc Công ty kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Đến năm 2008, Công ty đã cổ phần hóa và chuyển đổi xong các hệ thống sản xuất. Đến năm 2014, PPH đi vào giai đoạn tái cấu trúc, hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm – may.