Người dân chủ quan, lơ là, số ca nhiễm tăng trở lại

Số liệu cập nhật ngày 2/11 ở các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TPHCM cho thấy 88% người nhiễm nhập viện hiện nay đã tiêm vaccine. Do vậy người dân không được phép chủ quan, lơ là, phải thay đổi thói quen, hành vi để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.
Phó Trưởg ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tại buổi họp báo chiều ngày 4/11. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đó là nhận định của ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM tại buổi họp báo cung ấp thông tin định kỳ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố chiều ngày 4/11.

Dịch bệnh còn phức tạp

Theo ông Phạm Đức Hải, trong ngày 3/11 có 944 bệnh nhân nhập viện, 770 bệnh nhân xuất viện, 28 trường hợp tử vong. Tính đến hết đến ngày 3/11, TPHCM đã tiêm 7.776.356 mũi 1 và 5.778.890 mũi 2.

Ông Hải cho biết, theo công bố 2 tuần liên tiếp thì tình hình dịch của TPHCM ở cấp độ 2. Trong 3 tiêu chí thì tiêu chí ca mắc mới ở cấp độ 3, trên dưới 1.000 ca mới mỗi ngày là điều đáng lo ngại. Ngoài ra, số ca nhập viện những ngày gần đây, ngày 1/11 có 989 ca, sau đó 1.025 và 944 ca nhập viện hai ngày sau đó. 

Số liệu tử vong cũng có xu hướng tăng trong một tuần qua, từ 21 trường hợp ngày 30/10 tăng lên 40 trường hợp vào ngày 2/11. Ông Phạm Đức Hải đánh giá, thực tế rất nhiều người dân đang không tuân thủ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Tình trạng người dân tụ tập, không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang nơi công cộng như tại phố đi bộ, công viên… 

Những quan sát từ thực tế cùng với số liệu dịch bệnh, ông Hải cho rằng tình hình dịch bệnh tại thành phố hiện nay phức tạp, khó lường. Do vậy đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K. Đối với những người thực hiện không nghiêm, đề nghị chính quyền địa phương phải thực hiện đúng việc xử phạt.

Hiệu quả của vaccine như thế nào, ông Phan Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã thông tin số liệu cuộc khảo sát thực hiện tại Bệnh viện Nhiệt đới vào giữa tháng 10, trên 349 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó 45% bệnh nhẹ, 55% bệnh nặng. Ở nhóm chưa tiêm ngừa thì 74% bệnh nặng và 26% bệnh nhẹ. Ở nhóm đã tiêm ngừa thì 40% bệnh nặng và 60% bệnh nhẹ. Ở nhóm tiêm mũi 1 có 49% bệnh nặng và 51% bệnh nhẹ. Ở nhóm tiêm 2 mũi có 12% bệnh nặng và 88% bệnh nhẹ.

Ở nhóm tiêm 2 mũi chỉ có 1 trường hợp cần hỗ trợ máy thở xâm lấn, 5 trường hợp có thở oxy. Trong khi với nhóm tiêm 1 mũi có 10 trường hợp phải thở máy xâm lấn. Riêng nhóm chưa tiêm vaccine có 54 trường hợp phải hỗ trợ máy xâm lấn và 3 trường hợp ECMO.

Ông Châu cho rằng, đây chỉ là số liệu qua khảo sát ở một bệnh viện chuyên khoa, nhưng qua đó đã xác nhận lại những thông tin y văn thế giới đã cho thấy, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine thì khả năng mắc bệnh nặng khi nhiễm COVID sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, dù tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm COVID và không được điều trị kịp thời vẫn có thể tử vong. Do vậy dù đã tiêm đủ vaccine vẫn phải tuân thủ 5K.

Nhiều hỗ trợ chống dịch cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Về việc tăng cường lực lượng y tế hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phan Văn Vĩnh Châu, cho biết hiện có 3 đội luân phiên hỗ trợ các địa phương điều trị COVID-19 cho 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM thường xuyên hội chẩn, tập huấn trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm thu dung, điều trị, mô hình điều trị 3 tầng cho các địa phương. 

Ngoài vấn đề chuyên môn, nhân lực của TPHCM đang hỗ trợ các địa phương bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và vaccine. Sở Y tế TPHCM đã giao cho Hội điều dưỡng Thành phố cùng với một số bệnh viện tại của Thành phố tổ chức các đội tiêm hỗ trợ công tác tiêm chủng của các địa phương có nhu cầu.

Nhiều giải pháp thu hút lao động trở lại làm việc

Về vấn đề lao động trở lại, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết theo nhu cầu dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu cần trong quý 3 ở lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ 41 vị trí, chiếm 0,1% so với tổng nhu cầu quý 3/2021. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nhu cầu nhân lực cần 8.191 chỗ, chiếm 19% tổng nhu cầu của quý 3; lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhu cầu nhân lực là 33.136 chỗ chiếm 80,1%.

Ngày 2/11 đã có một sàn giao dịch việc làm trực tuyến giữa TPHCM kết nối với các tỉnh ĐBSCL, Bình Dương, trong đó 180 đơn vị tuyển dụng với khoảng 31.000 vị trí. Tại TPHCM có 12 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với trên 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Ông Lâm khẳng định, Thành phố đã chuẩn bị nhiều giải pháp thu hút nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp cũng như người lao động. Thị trường lao động từ nay đến cuối năm sẽ ổn định để phục hồi sản xuất kinh tế.

Ngoài ra, ông Lâm thông tin, đến 16 giờ chiều ngày 4/11, Thành phố đã chi trả hỗ trợ đợt 3 là hơn 6 triệu trường hợp. Các đoàn đi kiểm tra đang triển khai trên các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Mỗi đoàn đi ít nhất 3 quận, huyện. Ngày 15/11, UBND Thành phố sẽ tổng hợp kết quả báo cáo HĐND Thành phố.

Hơn 61% doanh nghiệp hoạt động trở lại

Về tình trạng an toàn phòng dịch tại các điểm chợ tự phát, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Thành phố vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các quận, huyện, TP. Thủ Đức kiểm tra xử lý các hoạt động trên và có đề xuất phương án trình UBND Thành phố tổ chức mở lại hoạt động các chợ đầu mối. Với các điểm bán tự phát, các chợ nhỏ lẻ do các địa phương kiểm tra, xử lý.

Ông Phương cho rằng, vừa qua các chợ truyền thống do tình hình phòng, chống dịch, địa phương cân nhắc ngưng hoạt động. Khi Thành phố trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm của người dân và nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các tiểu thương. Nếu chậm tổ chức trở lại các kênh phân phối đó thì với nhu cầu của người dân sẽ tìm cách kinh doanh và sẽ phát sinh các điểm bán hàng tự phát. Do vậy Sở Công Thương đã có đề xuất tổ chức trở lại các chợ truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, đến nay, TPHCM đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Lượng hàng hóa cung ứng hàng ngày tiếp tục tăng. Theo thống kê, lượng hàng hóa về các điểm tập kết đạt 6.500 tấn/ngày. Con số này thấp hơn bình thường khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, con số tăng liên tục và khá cao so với trong dịch.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 8 là âm 71,2%, tháng 9 là âm 60,40%, tháng 10 âm 40,50%. Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp, tháng 8 là âm 49,2%; tháng 9 âm 56%; tháng 10 âm 43%. “Trong tình hình khó khăn, tốc độ tương ứng giảm, nhưng thời gian càng về sau tốc độ giảm chậm lại. Có nghĩa là các hoạt động đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Các khó khăn từng bước đã được doanh nghiệp khắc phục”, ông Phương phân tích.

Về tình hình doanh nghiệp hoạt động trở lại, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 7.872 doanh nghiệp với tổng số 411.838 lao động.  Như vậy với tổng số 7.872 doanh nghiệp hoạt động trở lại so với gần 13.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong thời gian dịch bệnh thì tỷ lệ là 61,21%.

Việc vận hành các Bộ tiêu chí an toàn vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, giúp các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình mới. Khi đưa ra các quy định an toàn chắc chắn các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn so với bình thường. Tuy nhiên, tùy theo tình hình, có doanh nghiệp thuận lợi, nhưng cũng có một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là khó khăn về lao động.

Phạm pháp hình sự tăng trong tháng 10

Về tình hình an ninh trật tự sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, theo thống kê của Công an Thành phố, trong tháng 10 trên địa bàn Thành phố xảy ra 184 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ giảm 44% nhưng so với các tháng trước tăng từ 60-80%, chủ yếu là trộm cắp tài sản.

Công an Thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện và TP. Thủ Đức yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, quyết tâm kéo giảm tội phạm… 

Theo Chinhphu.vn

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video