Ngân hàng hết “chiêu” phạt lãi suất thanh toán trước hạn?
Nếu được thông qua, Dự thảo Bộ Luật Dân sự đang trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp này sẽ chấm dứt “đặc quyền” của các tổ chức tín dụng (TCTD) về việc ép lãi suất phạt đối với khách hàng khi muốn thanh toán hợp đồng trước hạn.
Thời gian qua, nhiều khách hàng không khỏi bức xúc khi ngân hàng “hét” mức lãi suất phạt khủng khi tất toán hợp đồng vay vốn trước hạn. Thậm chí, có trường hợp, khách hàng phải trả lãi suất phạt lên tới 8 - 9% khi muốn thanh toán trước hạn.
Sự bất hợp lý này sẽ chấm dứt khi dự thảo Bộ Luật Dân sự được thông qua. Tại khoản 2, Điều 493 của dự thảo Bộ Luật Dân sự về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn quy định: Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn đồng thời có nghĩa vụ trả lãi đến thời điểm trả lại tài sản.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu còn đề nghị chỉnh lý khoản 2 theo hướng, khi trả nợ trước hạn thì bên vay phải trả lãi với mức không quá 50% lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác với mức thấp hơn hoặc pháp luật có quy định khác.
Hiện nay, hoạt động vay và cho vay diễn ra phổ biến với khối lượng và giá trị giao dịch lớn. Khi cho vay, các TCTD đã chủ động thỏa thuận, ký kết các nội dung rất cụ thể về lãi suất và thời gian, lộ trình trả nợ gốc, lãi vay với khách hàng.
Nhiều hợp đồng vay quy định việc trả nợ gốc, lãi vay theo một lộ trình nhất định, và không được thanh toán nợ trước hạn; tức là khi bên vay có đủ tiền và muốn trả hết khoản nợ vay còn lại thì cũng chưa chắc thực hiện được. Vì thế, việc quy định “bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn” là một quy định thể hiện tính ưu việt của dự thảo Bộ Luật Dân sự lần này.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu góp ý việc quy định là “trả lãi với mức hợp lý” còn mang tính chung chung, chưa cụ thể. Bao nhiêu là “hợp lý”?
Góp ý vào dự thảo bộ luật này, nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định còn lỏng lẻo, dễ bị bên cho vay lợi dụng đề ra mức lãi thanh toán đáo hạn trước thời hạn với lãi suất cao đối với người đi vay.
Do đó đề nghị sửa cụm “với mức lãi hợp lý” bằng cụm “với mức lãi áp dụng cho việc trả lại tài sản trước kỳ hạn ghi trong hợp đồng vay (nếu có), hoặc mức lãi thỏa thuận nhưng không quá ...% mức lãi của hợp đồng vay”, nhưng phải quy định cụ thể.
Một điểm nữa có thể “điểm huyệt” các TCTD khi dự thảo Bộ Luật Dân sự có ý muốn quy định việc được trả tiền lãi trên số tiền chậm trả lãi theo lãi suất cơ bản.
Tại khoản 4, Điều 489 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, nhiều đại biểu đề nghị nên sửa thành: “...bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theolãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác” vì Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ có một lãi suất cơ bản để tham chiếu, không có đối với từng loại vay khác nhau. Vì vậy quy định này phải sửa.
Do vậy, nhiều đại biểu cũng đề nghị sửa khoản 4: “Trường hợp vay không có lãi, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ mà hai bên không có thỏa thuận khác thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ”.
Nhiều ý kiến của đại biểu cũng cho rằng khoản 5, Điều 489 không hợp lý khi quy định “bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng”.
Trong lĩnh vực ngân hàng cũng chỉ quy định “không quá 150%”, tức các bên có thể thoả thuận trong khoảng từ 100% đến 150% lãi suất trong hạn. Thậm chí mức cao nhất là 150% cũng cần phải xem lại, không bảo đảm quyền lợi của người vay, thường là bên yếu thế hơn. Vì vậy đề nghị quy định riêng một hoặc một số điều về hợp đồng vay tiền và “lãi suất nợ quá hạn không quá 150% lãi suất vay”.
Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Bộ Luật Dân sự cũng cho rằng, khoản 5 quy định "lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
Theo quy định này, trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì thỏa thuận mức lãi suất nợ quá hạn không bị giới hạn, có thể cao hơn 150% lãi suất vay theo hợp đồng, không phù hợp với các quy định về trần lãi suất nhằm mục đích chống cho vay nặng lãi tại dự thảo Bộ luật Bộ luật.
Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị quy định theo hướng: lãi suất nợ quá hạn do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất vay theo hợp đồng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định, lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng.
Theo Bizlive