Ngân hàng có “quá sức” khi đặt mục tiêu lợi nhuận cao?
Theo Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì nhiều ngân hàng đang lạc quan về kết quả kinh doanh năm nay. Điều này cũng được thông qua việc các ngân hàng đang đặt mục tiêu lợi nhuận cao.
Với những khó khăn còn tồn đọng, kế hoạch của các ngân hàng có đạt được không vẫn còn là một câu hỏi phía trước.
Nhiều ngân hàng hồ hởi đặt mục tiêu lợi nhuận cao
Vào cuối tháng 3, là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHCĐ năm nay, tại đại hội, cổ đông LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2017, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Lợi nhuận năm 2016 ngân hàng đạt 1.348 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức được nâng lên 12%. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu.
Sở hữu mức tăng lợi nhuận năm 2016 đạt 27%, Ngân hàng ACB tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016. Đồng thời, ACB cũng có kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Ngày 10.4, VPBank tổ chức đại hội đồng cổ đông. Theo tài liệu phục vụ đại hội, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng tới 38% so với năm 2016; tổng tài sản đạt mức 280.645 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 200.591 tỷ đồng.
Năm 2016, HDBank ghi nhận 1.282 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập của ngân hàng, tương đương mức tăng lên tới gần 63% so với năm trước. Dự kiến ngày 21.4 tới đây, HDBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 28%; mục tiêu cho vay đạt 123.491 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Tờ trình đại hội đồng cổ đông của Techcombank, dự kiến tổ chức vào 15.4 tới cũng cho thấy, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2017 tăng trưởng 26% so với năm 2016, ở mức 5.020 tỷ đồng. Trong năm nay, Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, từ 8.878 tỷ đồng vốn hiện tại lên 13.878 tỷ đồng; nâng tổng tài sản lên gần 280.000 tỷ đồng.
Với OCB, năm 2016 đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu đặt ra như lợi nhuận trước thuế đạt 484 tỷ đồng, vượt 108% kế hoạch; tổng tài sản đạt 63.834 tỷ đồng, tăng 29%; tỷ lệ nợ ở mức 1,51%. OCB cũng dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 với kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 33%, lên 85.000 tỷ đồng và 780 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 60% so với năm 2016.
Nhiều ngân hàng khác trong hệ thống cũng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khá trong năm 2017 như MBBank với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 lên tới 4.300 tỷ đồng, tăng gần 18%…
Ngân hàng lạc quan vào triển vọng năm 2017
Vụ Dự báo, thống kê NHNN vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 2/2017 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, 89,5% tổ chức tín dụng cho biết, tình hình kinh doanh trong quý đầu năm có sự cải thiện nhẹ. Có tới 90,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng cao hơn nhiều so với cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 12.2016 (kỳ vọng tăng 13,4%).
Tâm lý lạc quan của ngành ngân hàng có cơ sở, đó là tình hình kinh tế trong nước nói chung và hoạt động của ngành được dự báo đang có những diễn biến thuận lợi. Đa số các ngân hàng cho rằng tình hình thanh khoản của hệ thống tiếp tục diễn biến khả quan, là cơ sở cho việc ổn định lãi suất huy động, ổn định chi phí vốn đầu vào và tạo nguồn lực xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Trong quý 2, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn của toàn hệ thống sẽ tăng trưởng bình quân 5,58%, và tăng 16,23% trong năm 2017; dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng 5,81% so với quý trước và tăng 17,23% trong năm 2017.
Dự kiến trong năm 2017, khoảng 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá.
Các ngân hàng đang lạc quan trong bối cảnh ngành đang có nhiều khó khăn như vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, áp lực tăng vốn… Theo các chuyên gia năm 2017, các ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm. Xử lý được những vấn đề tồn đọng đã là một thành công lớn rồi.
Trong các vấn đề liên quan chặt đến việc các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm 2017 đó là Thông tư 06. Cụ thể, đối với tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm “siết” để kiểm soát soát rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống, tuy nhiên, vẫn giữ tỷ lệ 60% từ nay đến 31.12.2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1.1.2017 và từ 1.1.2018 sẽ xuống 40%, tuy lộ trình này cũng đã được NHNN đã giãn ra nhưng vẫn là một điểm mà các ngân hàng phải chú ý.
Bên cạnh đó, hệ số rủi ro cho các khoản vay bất động sản đã được Thông tư 06 nâng từ 150% lên 200%, thay vì 250% như Dự thảo. Ngoài ra, thời hạn thực hiện cũng được lùi đến ngày 1.1.2017.
Trong Chỉ thị số 04, Thống đốc NHNN đã nhắc nhở các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung-dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và với các dự án BOT, BT giao thông.
Đối với các ngân hàng, Thống đốc cũng nhắc nhở, phải có biện pháp tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay trong các lĩnh vực này. Hướng tín dụng lĩnh vực bất động sản ưu tiên cho dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ.
Như vậy, trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy mà các ngân hàng vẫn đặt mục tiêu cao khiến một câu hỏi được đặt ra, ngân hàng có đang vượt quá sức mình?
Theo Anh Thư - Lao động