Một Lễ khai mạc, đậm chất vùng sông nước Cửu Long
Nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015” diễn ra từ 27/6 – 03/7. Tối hôm qua, 29-6-2015, tại sân khấu bên bờ sông Hậu thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và UBND thành phố Cần Thơ đã long trọng tổ chức lễ khai mạc “Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015”.
Đến dự Lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các vị khách quốc tế thuộc các quốc gia Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore và đông đảo, bà con nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến dự. Chương trình được dàn dựng công phu, thể hiện chiều sâu về văn hóa, du lịch của vùng sông nước ĐBSCL.
Phá biểu tại lễ khai mạc ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL 2015 cho cả nước và bạn bè quốc tế biết về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về chuỗi các hoạt động của “Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015”, đồng thời cho biết những hình ảnh về vùng đất miền tây, một vùng xanh thẳm ngút ngàn ruộng lúa, sông ngòi, với những người dân hiền lành và mến khách.
Ông Nguyễn Phong Quang cho biết: Vùng ĐBSCL với thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, trong đó chủ yếu là lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Có khí hậu hiền hòa, hệ sinh thái đa dạng, nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Có nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, với sự giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Có tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước; du lịch tâm linh, biển đảo; trong đó, đảo Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng, hệ thống giao thông ĐBSCL ngày càng phát triển, các công trình huyết mạch đã hoàn thiện như: Sân bay, bến cảng, cầu lớn và đường cao tốc, góp phần làm cho giao thông được thông suốt. Du khách đến ĐBSCL bằng đường bộ, đường thủy và hàng không đều dễ dàng và thuận lợi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nói “ Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015” là sự kiện văn hóa quy mô cấp vùng, cấp quốc gia với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố có tiềm năng, thế mạnh về du lịch trong cả nước và một số quốc gia trên thế giới. Đây là dịp để các địa phương trong Vùng và cả nước giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về các loại hình, các sản phẩm du lịch, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh, thúc đẩy nhu cầu tham quan, mua sắm đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và du lịch bền vững. Hiện giá trị kinh tế từ du lịch vùng ĐBSCL chiếm hơn ½ so với cả nước, đây là một lợi thế lớn cần tập trung liên kết xây dựng và hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng, gắn với đẩy mạnh phát triển bền vững ngành du lịch, trong đó du lịch xanh – du lịch sinh thái là một mũi nhọn.
Cùng ngày 29/6, trước khi diễn ra lễ khai mạc “Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015”, sáng ngày 29/6 đã diễn ra hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh ĐBSCL” do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức. Tại Hội thảo, Bộ VHTT&Du lịch đã công bố đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”.
Hội thảo cũng đã thông qua các tham luận đề cập đến liên kết phát triển Du lịch xanh ĐBSCL, lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia đến từ các viện, trường và bộ ngành liên quan.
Phá biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nói: Thời gian qua, hoạt động du lịch vùng ĐBSCL phát triển khá sôi động với tốc độ tăng trưởng bình quân năm luôn đạt trên 2 con số. Năm 2014, đón hơn 22,4 triệu lượt khách; với 1,83 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập du lịch đạt 6.360 tỉ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho xã hội, qua đó góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là những vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch cần phải phát huy vai trò quan trọng, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động phát triển đến tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL và qua đó giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến phát triển bền vững chung của toàn vùng.
Theo NĐT