Luật Thủy sản 2017: "Bước ngoặt" mới trong quản lý của ngành thủy sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội nghị Triển khai Luật Thủy sản 2017. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Luật Thủy sản 2017 sẽ là "bước ngoặt" trong quản lý của ngành thủy sản.

Luật Thủy sản cũng ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang tái cơ cấu quyết liệt trong nông nghiệp. Luật Thủy sản mới cũng phù hợp Chính phủ kiến tạo hiện tại với tiêu chí đảm bảo cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Tổng cục Thủy sản cho biết Luật Thủy sản 2017 bao gồm 9 chương 105 điều, giảm 1 chương, tăng 43 điều so với Luật 2003 và cơ bản tên các chương điều không thay đổi, có bổ sung một chương mới là chương kiểm ngư.
Cụ thể, các điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 bắt đầu từ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản (Luật 2003 không đề cập vấn đề này). Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá…Ví dụ đăng ký tàu cá sẽ được thực hiện bằng Sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương chính phủ điện tử. Các cơ quan hữu quan có thể cập nhật vào cơ sở dữ liệu này để nắm bắt thông tin kịp thời.
Điểm mới thứ hai là quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi... Theo đó, quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm hai quyền: một là quyền ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các quy định về điều kiện của các cơ sở nuôi trồng thủy sản được rà soát và cắt giảm. Song song đó, Luật mới cũng quy định nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè hoặc thủy sản nuôi chủ lực phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về thủy sản.
Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ do Bộ NN& PTNT cấp phép đối với các dự án nằm ngoài đường ranh giới 6 hải lý trở ra biển, các dự án nằm trong ranh giới 6 hải lý thuộc thẩm quyền cấp phép cấp tỉnh.
Thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trước đây là không quá 20 năm, Luật 2017 nâng thời hạn giao lên 30 năm và cho gia hạn tối đa thêm không quá 20 năm.
[caption id="attachment_78037" align="aligncenter" width="660"]
Về quản lý hạn ngạch, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra và giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ngoài khơi (theo số lượng tàu cá và sản lượng cho phép khai thác theo loài) cho UBND cấp tỉnh, theo đó phân công triệt để cho UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở hạn ngạch Bộ Nông nghiệp giao, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ tổ chức cấp phép hạn ngạch trong phạm vi quản lý.
Trong mục quản lý tàu cá, điểm mới được lưu ý đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá là chỉ được hoạt động khi tổ chức, cá nhân, cơ sở đóng mới, cải hoán được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện bởi cơ quan thẩm quyền là UBND tỉnh.
“Quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá cũng được hiện thực nhằm thu hút nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”, bà Huệ cho biết.
Đặc biệt, trách nhiệm của tổ chức quản lý cảng cá được nhấn mạnh thông qua loạt quy định về thực hiện thống kê, xác nhận nguồn gốc thủy sản…Tiếp nhận khuyến nghị của EC, Luật mới cũng quy định trách nhiệm của cảng cá trong từ chối cho bốc dỡ đối với tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp.
Tàu cá nước ngoài ra vào cảng phải thực hiện khai báo các thông tin để tránh lợi dụng tạm nhập tái xuất, và thời hạn báo trước khi rời đi điều chỉnh từ 24 giờ xuống 12 giờ đảm bảo thông tin kịp thời.
Theo nhấn mạnh của bà Phan Thị Huệ, trên cơ sở xác định cảng cá sẽ là đầu mối quan trọng trong xác định nguồn gốc, đầu mối quan trọng trong chuỗi hoạt động trước khi đưa vào sản xuất, từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đánh giá, xem xét cảng cá nào có đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sẽ công bố công khai cho tổ chức trong ngoài nước biết, đảm bảo chặt chẽ quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Ngoài ra, chế định về kiểm ngư, nội luật hóa các quy định IUU (liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) từ khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng được hiện thực trong Luật Thủy sản 2017.
Trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, 1 tỷ đồng là mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm được luật hóa và 2 tỷ đối với tổ chức vi phạm - cao gấp 10 lần so với luật thủy sản năm 2003 là 100 và 200 triệu. Quy định này - theo bà Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Thủy sản cũng nằm trong khuyến nghị của EC. EC đã cho rằng mức phạt cũ là quá thấp sẽ không đảm bảo được ý nghĩa của xử phạt.
Về điều khoản chuyển tiếp của Luật, Vụ trưởng pháp chế Tổng cục Thủy sản cũng phổ biến rằng Luật Thủy sản mới năm 2017 khi có hiệu lực (ngày 1/1/2019) sẽ được áp dụng ngay mà không cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Sự ra đời của Luật Thủy sản 2017 là bước ngoặt trong ngành Thủy sản. Thủy sản Việt sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, đặc biệt là ngành khai thác, từ nghề cá nhân dân chuyển sang nghề cá có trách nhiệm”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định.
Khẳng định để Luật thủy sản 2017 đi được vào cuộc sống phải cần nhiều nguồn lực, cả Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Vụ trưởng Pháp chế Tổng cục Thủy sản Phan Thị Huệ tại Hội nghị triển khai luật đã đề nghị sự vào cuộc sát xao của UBND các tỉnh thành và cả các cá nhân, tổ chức chịu sự điều chỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của trung ương. Theo đó, Luật Thủy sản 2017 là điều kiện cần thiết, cấp bách cho sự “sống còn” của ngành thủy sản Việt Nam.