Lợi nhuận ngân hàng quý I: Hiện tượng Techcombank và cú lội ngược dòng của MB
Lợi nhuận nhiều nhà băng đã có thể đạt được kết quả khởi sắc hơn nữa, bức tranh toàn hệ thống có thể có nhiều gam màu sáng hơn nữa nếu không vì... khoản dự phòng rủi ro.
Xét về tốc độ tăng trưởng về chi phí dự phòng lớn nhất trong quý vừa qua thì ngôi vị quán quân này đã thuộc về ngân hàng SHB.
Lợi nhuận quý I của SHB ghi nhận là 244 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã bị "cắt lẹm" lớn nếu không nhà băng này đã bội thu ở quý đầu năm. Bởi thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt gần 888 tỷ đồng, tăng 44% so với quý I/2015. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do SHB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng quá lớn lên hơn 168 tỷ đồng, gấp 21 lần con số cùng kỳ. Chính vì vậy đã hãm đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng này.
Ngay cả ông lớn BIDV kết quả lợi nhuận cũng có phần "lao đao" ở ngay quý I khi bất ngờ giảm 10% so với cùng kỳ. Mặc dù, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng của BIDV là hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng đột biến lên gần 2 nghìn tỷ đồng, gấp đôi quý I/2015 khiến BIDV chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 1.682 tỷ đồng, giảm gần 10%.
Và cú lội ngược dòng của MBBank
Trái ngược với những trường hợp chi phí dự phòng tăng đột biến “ăn mòn” lợi nhuận thì Vietcombank và MB lại được nhờ từ chính khoản chi phí này.
Chí phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của Vietcombank nhỉnh hơn 1,3 nghìn tỷ, giảm gần 14% giúp ngân hàng đạt gần 2,3 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 58% cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, nhờ giảm chi phí dự phòng gần 70%, MBBank lật ngược tình thế từ giảm 28% lãi thuần trước trích lập, thành tăng gần 11% về lợi nhuận trước thuế trong qúy I.
Trong khi đó, theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, nếu tuân thủ đúng quy định trích lập dự phòng rủi ro, việc hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu chắc chắn sẽ bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà băng.
Như vậy, dù nợ xấu trên sổ sách đã giảm mạnh nhưng gánh nặng về chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn đè nặng các ngân hàng, kể cả những khoản nợ đã bán cho VAMC.
Theo Trí thức trẻ