Lợi nhuận ngân hàng có giảm khi hạ lãi suất cho vay?
Việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay có mặt tiêu cực là có thể sẽ khiến cho hệ số NIM co lại, lợi nhuận của các ngân hàng vì thế mà có thể giảm đi.
[caption id="attachment_62671" align="aligncenter" width="700"]
Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định giảm 0,25% các lãi suất điều hành và 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngay sau đó, khá nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay trên thị trường như BIDV, VPBank, Lienvietpostbank, Eximbank... Theo đó lãi suất cho vay không chỉ giảm 0,5% mà có ngân hàng giảm tới 1%.
Theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán SSI, việc hạ lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận do các ngân hàng sẽ không thể giảm 0,5%-1% lãi suất huy động trong một thời gian ngắn. Lợi nhuận giảm sẽ làm giảm động lực của các NHTM. Đây là một hiệu ứng ngược từ một chính sách đúng và cần có cơ chế để khắc phục.
Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự chênh lệch giữa huy động và cho vay.
Có thể thấy, nếu NHNN điều chỉnh cả lãi suất huy động và cho vay thì tiền đồng sẽ chảy sang các kênh khác, có thể là vàng hay chứng khoán, bất động sản. Điều đó sẽ rủi ro cao, khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn chưa phải là cao trong 6 tháng đầu năm nay.
Một số ý kiến cho rằng việc giảm 0,5% có quá thấp không? Nhưng nếu tăng mức giảm lãi suất thì các ngân hàng sẽ không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp, rủi ro cao.
Theo đánh giá của CTCK BSC, việc giảm lãi suất điều hành là điều kiện để các NHTM hạ lãi suất cho vay đầu ra bởi việc hạ lãi suất điều hành sẽ làm giảm chi phí vốn của hệ thống các TCTD khi vay NHNN. Tuy nhiên, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này là không cao do quy mô các khoản vay NHNN khá khiêm tốn và mức giảm lãi suất còn thấp so với 9 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm 2011 tới nay.
Sử dụng số liệu về số dư các khoản nợ Chính phủ và NHNN Việt Nam như một chi tiêu đại diện cho quy mô các khoản vay NHNN, BSC tính toán tổng dư nợ của 23 ngân hàng thương mại là 142 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2017, chỉ tương đương 2,46% giá trị tổng tài sản và 3,33% tiền gửi của khách hàng. Khi đó, chi phí tiết kiệm được của 23 NHTM tham chiếu nói trên khoảng 354 tỷ đồng.
Hơn nữa, mức giảm 0,25% được đánh giá là "thận trọng" và thấp so với thời gian trước. Trong 9 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trước, lãi suất điều hành chủ yếu được điều chỉnh tăng/giảm 1%, riêng tháng 3/2014, điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất điều hành.
Tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này theo đánh giá của BSC là không cao. Trong khi đó, các NHTM đối mặt với áp lực giảm lãi suất đầu ra từ định hướng điều hành và chính sách của NHNN. Lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng do áp lực lạm phát và tỷ giá.
"Hệ số NIM của các ngân hàng có thể giảm sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN" - báo cáo của BSC nhận định.
Theo dữ liệu công bố từ NHNN, lãi suất cho vay trung dài hạn vào cuối tháng 6/2016 đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9-10%. Lãi suất cho vay thông thường là 6,8-9% cho ngắn hạn và 9,3-11% cho trung dài hạn. Đáng chú ý lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường có thể thấp tới 4-5% nếu khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch. Lãi suất vay USD thậm chí còn thấp hơn, 2,8-4,7% cho ngắn hạn và 4,7-6% cho trung-dài hạn. Như vậy có thể thấy trên thị trường đã có những cơ chế khác giúp giảm lãi suất cho vay.