Lợi nhuận 2017 của ACV ước tăng trưởng 106%, lên HOSE trong quý II/2018
Với những triển vọng tăng trưởng ngành và tiềm năng mới từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, ACV đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh trong tương lai.
Theo SSI Research, Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) đang có những tín hiệu tốt trong hoạt động kinh doanh và cấu trúc cổ đông của doanh nghiệp.
Năm 2018, kế hoạch thoái vốn của Chính phủ tại ACV từ 95,4% xuống 75,4% thông qua việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược hoặc bán cổ phần tại các sàn giao dịch và xuống 65% vào năm 2019. Việc thoái vốn này có thể làm giảm ảnh hưởng của Chính phủ đối với công ty giúp hiệu quả hơn và minh bạch trong quản lý.
Bên cạnh đó, trong quý II/2018, ACV có kế hoạch chuyển từ UPCOM sang HOSE.
Theo SSI Research, ACV có vị thế độc quyền trong ngành giữa bối cảnh du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ và xu hướng thay đổi phương thức vận chuyển nội địa từ xe buýt và tàu hỏa sang đường hàng không.
Hiện, ACV đang trong quá trình nâng cấp sân bay giúp tăng sản lượng chuyến bay và không gian nhượng quyền trong giai đoạn 2018-2021.
ACV đã bắt đầu mở rộng nhà ga nội địa ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) vào cuối năm 2017 và sẽ hoàn thành vào năm 2018, nâng cấp công suất thiết kế lên 15 triệu lượt khách / năm (+ 36%). Điều này kỳ vọng sẽ tăng cả doanh thu hàng không và doanh thu nhượng quyền tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (NIA) sau khi vượt công suất thiết kế trong 2 năm tới.
Ngoài ra, từ năm 2018-2020, ACV có thể xây dựng nhà ga số 4 tại TIA cho hành khách của các hãng hàng không giá rẻ với công suất thiết kế là 15 triệu lượt khách, dự kiến sẽ tiếp đón nhiều hành khách hơn trong bối cảnh số chuyến bay ngành hàng không giá rẻ trong nước và khu vực mở rộng mạnh mẽ.
Các kế hoạch mở rộng cho TIA, NIA và các sân bay chính khác ước tính chi phí đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng từ năm 2017-2021, huy động từ nguồn tiền mặt và tiền gửi của ACV (19.700 tỷ đồng vào quý 3 năm 2017) và ước tính EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) trên 10 nghìn tỷ đồng/năm trong 4 năm tới.
Trong 2017, SSI Research dự báo, tăng trưởng sản lượng khách quốc tế của ACV trong quý 4 và cả năm sẽ giảm xuống 14% và 16% không bao gồm khách quốc tế tại DIA trong 8 tháng từ tháng 5-12 năm 2017.
Tuy nhiên, SSI Research tin rằng việc chuyển hành khách sang DIA sẽ không ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng lợi nhuận ròng của ACV trong quý IV/2017 và 2018 do DIA chỉ đóng góp 9% vào tổng doanh thu của ACV theo ước tính.
Mặt khác, tăng trưởng chuyến bay ở 2 sân bay chính: Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) và Sân bay Quốc tế Nội Bài (NIA), cùng với việc tăng giá chuyến bay nội địa áp dụng từ ngày 01/10/2017 cho 22 sân bay của ACV sẽ bù đắp các doanh thu từ khách quốc tế ở nhà ga quốc tế ở DIA. Theo ACV, TIA và NIA là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty vì các sân bay khác vẫn đang thua lỗ hoặc hòa vốn.
Năm 2017, ACV dự kiến đạt doanh thu thuần 15.109 tỷ đồng và lãi trước thuế 5.843 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 106%.
Giai đoạn 2017-2019, SSI Research dự báo CAGR của EBITDA sẽ tăng 17% nhờ doanh thu phục vụ hành khách (chiếm 47% tổng doanh thu) sẽ tăng 6% trong năm 2017, 17% vào năm 2018 và 17% vào năm 2019 nhờ vào việc tăng cước phí nội địa kể từ ngày 1/10/2017, dựa trên giả định tăng trưởng hành khách năm 2017 đạt 11,7% (90,6 triệu lượt), 7,96% trong năm 2018 (97,8 triệu lượt) và 10,14% trong năm 2019 (107,7 triệu lượt).
Như vậy, tổng hành khách của ACV có thể tăng trưởng ở mức 9% CAGR giai đoạn 2017-2019 (so với 26% CAGR trong giai đoạn 2014-2016). Ngoại trừ lượng khách quốc tế của Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh (số khách quốc tế đến sân bay mới từ giữa năm 2018), sân bay còn lại của ACV có thể đạt mức tăng trưởng 12% CARG trong tổng số khách từ 2017 đến 2019.
Theo Lê Hải - NDH