Lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp, mức 3%/năm chưa phải là đáy?

So với cuối tháng 6, lãi suất giữa tháng 7 đã thấp hơn bình quân từ 0,3 – 0,6%/năm.

Lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp, mức 3%/năm chưa phải là đáy?

Xu hướng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng ngày càng rộng. Tính đến thời điểm ngày 16/7, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi so với thời điểm trước ngày 30/6, trong đó nhiều ngân hàng có tới 2-3 đợt giảm lãi suất, thậm chí như Techcombank còn có đến 5 lần điều chỉnh biểu lãi suất.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng dao động phổ biến từ 3,15 – 3,85%/năm, thậm chí có nhà băng chỉ trả lãi kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm nếu rút lãi trước như ở Techcombank. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng dao động từ 4,6 – 5,7%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 5,7 – 7,1%/năm. So với cuối tháng 6, lãi suất giữa tháng 7 thấp hơn bình quân từ 0,3 – 0,6%/năm. Các mức lãi suất trên 8%/năm cũng không còn thấy xuất hiện trên biểu lãi suất ở các nhà băng, ngay cả với các khoản tiền lớn.

Trong các dự báo gần đây, hầu hết các ý kiến chuyên gia cho rằng xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp diễn do thanh khoản hiện rất dồi dào, nguồn tiền gửi vào các ngân hàng tăng cao trong khi cho vay ra thị trường còn yếu. Bên cạnh đó, lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá ngoại tệ ổn định (với dự báo VND chỉ mất giá khoảng 1-2%) cũng sẽ là những yếu tố giữ cho lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp.

Tại báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh với các tổ chức tín dụng quý 3/2020 (thực hiện trong tháng 6) của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý 3 và cả năm 2020. Trong đó, các nhóm ngân hàng chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất giảm.

Các chuyên gia còn nhận xét, việc giảm lãi suất sẽ không đến từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước mà hoàn toàn do động thái của các ngân hàng, dựa theo cung cầu vốn thực tế.

"NHNN khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất đầu vào để có thêm dư địa hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, còn chủ trương lãi suất điều hành thời gian tới sẽ không có gì thay đổi", lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN cũng khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi trong tuần trước.

Trong báo cáo vừa công bố ngày 15/7, các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng NHNN sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác như: tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch Covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án có độ lan tỏa cao.

Theo Báo Dân sinh

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video