Kiến nghị cho phép chủ đầu tư tự nghiệm thu nhà ở xã hội

TPHCM - HoREA đề xuất giao toàn bộ trách nhiệm nghiệm thu công trình xây dựng nhà ở xã hội cho chủ đầu tư để rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Thủ tục làm nhà ở xã hội vẫn còn rườm rà. Ảnh: Bảo Chương

Báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, tính từ 2021 đến tháng 5.2025, TPHCM mới hoàn thành 2.745 căn nhà ở xã hội. Dự kiến hết năm 2025, thành phố hoàn thành thêm 2.874 căn đã đăng ký với Bộ Xây dựng, nâng tổng số căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025 TPHCM hoàn thành khoảng 5.619.

Như vậy, để đạt được mục tiêu hoàn thành 100.000 căn hộ mà Thủ tướng giao, giai đoạn 2026 - 2030, TPHCM cần phải hoàn thành thêm 94.381 căn nhà ở xã hội.

Theo kế hoạch, năm 2026, TPHCM sẽ hoàn thành 9.438 căn (chiếm 10% của 94.381 căn cần phải hoàn thành). Các năm tiếp theo từ 2027 - 2030, mỗi năm sẽ hoàn thành thêm số lượng nhà ở tương ứng với tỉ lệ lần lượt 15%, 20%, 25% và 30%.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thời gian qua, UBND TP và các sở, ngành đã rất nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý để các dự án sớm triển khai xây dựng. Do một dự án nhà ở xã hội từ lúc thực hiện thủ tục pháp lý đến lúc khởi công và xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng mất nhiều thời gian, từ 3 - 5 năm.

Do đó, để đạt mục tiêu 100.000 nhà ở xã hội đến 2030 được Thủ tướng giao, Sở Xây dựng kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND TP xem xét, trình HĐND TP đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của thành phố.

Nói thêm về câu chuyện tháo gỡ thủ tục cho việc triển khai dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng, đề xuất thí điểm chủ đầu tư tự nghiệm thu nhà ở xã hội để giảm nhũng nhiễu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết theo Luật Xây dựng 2014 quy định cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với hầu hết các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội nhưng đây là khâu không thực sự cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, quy trình này đôi khi mang nặng tính hình thức, có khả năng gây nhũng nhiễu, làm phình to bộ máy và biên chế của các cơ quan quản lý, kéo dài thời gian đưa dự án vào sử dụng và làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật, gián tiếp đẩy giá thành nhà ở xã hội lên cao.

Theo đó, HoREA đề xuất giao toàn bộ trách nhiệm nghiệm thu công trình xây dựng dự án nhà ở xã hội cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình theo quy định. Cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ không trực tiếp kiểm tra công tác nghiệm thu, trừ trường hợp đặc biệt khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.

HoREA kiến nghị việc thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (nếu có) sẽ được lồng ghép thực hiện cùng lúc với thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Thay vì tách riêng các bước thẩm định như hiện nay, việc tích hợp này được kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các dự án nhà ở xã hội.

Theo Báo Lao Động

Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng: Giải pháp khơi thông nguồn lực cho chuyển đổi xanh

Việc thành lập một Quỹ tài chính tiết kiệm năng lượng với mô hình phù hợp và nguồn lực đa dạng được xem là giải pháp cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật đang được đề xuất tại Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi).

Cho thuê chung cư ngắn ngày cần quản thay vì cấm

Sau những ý kiến trái chiều về tính pháp lý, quyền sở hữu và khả năng quản lý chung cư cho thuê ngắn ngày, việc có quy định cụ thể để "quản thay vì cấm" là rất cần thiết.

Video