Hồn Huế nhìn từ những cây lọng vàng trên cầu Nguyễn Hoàng

Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh 64 cây lọng vàng được lấy cảm hứng từ văn hóa cung đình Huế vừa được dựng lên trên cầu Nguyễn Hoàng.
Toàn cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Biểu tượng văn hóa

Mạng xã hội mấy hôm nay xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh 64 cây lọng vàng được dựng trên cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày hôm nay 26.3.

Ngoài chuyện lọng vàng là văn hóa cung đình, việc “che” phải đúng nơi đúng chỗ, còn có nhiều ý kiến hoài nghi về tính an toàn, bền vững trong bối cảnh Huế là địa phương có thời tiết khắc nghiệt, mùa Hè nắng nóng, mùa Đông nhiều mưa bão.

Tuy vậy, theo khẳng định của đại diện đơn vị trực tiếp thi công hệ thống chiếu sáng và mỹ thuật trên cầu với nhiều cơ quan báo chí, toàn bộ 64 cây lọng vàng cung đình đều được chế tác kỹ lưỡng từ thép mạ kẽm, phủ sơn tĩnh điện, đảm bảo khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, độ bền được đánh giá là gần như vĩnh cửu.

Quy trình thiết kế và thi công không chỉ được tư vấn, kiểm định bởi Công ty Hapulico - doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất cột chiếu sáng, mà còn được kiểm tra độc lập bởi Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Hệ thống chiếu sáng cầu Nguyễn Hoàng được thiết kế rất linh hoạt, có thể vận hành theo nhiều kịch bản đa dạng từ ngày thường đến lễ hội, góp phần làm nổi bật hơn nữa giá trị văn hóa truyền thống của Huế, vừa đảm bảo an toàn, vừa tăng sức hấp dẫn của công trình đối với người dân và du khách.

Khách quan mà nói, ý tưởng dùng những chiếc lọng vàng mang nét cung đình Huế để trang trí cầu Nguyễn Hoàng là một sáng tạo hay, đáng được ghi nhận và khuyến khích. Đây chính là điểm nhấn độc đáo làm nổi bật đặc trưng văn hóa Huế trên một công trình kiến trúc quan trọng.

Cần khuyến khích, ủng hộ

Trong thực tế, việc đưa đặc trưng văn hóa bản địa hay địa phương vào các công trình xây dựng để tạo điểm nhấn, làm nên sự khác biệt, thật ra không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Bali (Indonesia) là một ví dụ điển hình.

Hòn đảo Bali đã thành công trong việc biến văn hóa truyền thống thành điểm hút du lịch. Ngay khi đặt chân đến sân bay quốc tế Ngurah Rai, du khách ấn tượng bởi nội thất phủ thảm hoa văn truyền thống, cây nêu và dù lọng trang trí khắp nơi, tạo cảm giác bước vào không gian văn hóa đặc sắc.

Chưa hết, Bali còn quy định tất cả công trình xây dựng không được vượt quá 3 tầng và phải tuân thủ phong cách kiến trúc truyền thống. Dù là khách sạn, resort 5 sao như Meliã hay các công trình công cộng, tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa Bali. Bất cứ đâu du khách cũng thấy những bức tượng thần, tượng Phật được chế tác tinh xảo và trang trí cầu kỳ. Chính sự đồng nhất, hài hòa này đã tạo nên sức hút khó cưỡng, mỗi năm mang về hơn 6 triệu lượt khách quốc tế.

Trở lại với Huế, rõ ràng thành phố này không thiếu văn hóa, lịch sử và đặc biệt là bản sắc để tạo ra những điểm nhấn tương tự. Những chiếc lọng vàng trên cầu Nguyễn Hoàng chính là bước đi rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để Huế dần định hình lại không gian văn hóa đô thị, điều mà rất nhiều địa phương trong nước hiện nay chưa làm tốt. Huế có những ngôi chùa cổ kính, lăng tẩm uy nghi, những mái ngói cong, những nét kiến trúc cung đình tinh tế, nhưng không phải lúc nào những đặc trưng ấy cũng được đưa vào các công trình mới một cách có chủ đích.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài, mà còn hàm chứa những giá trị tinh thần, triết lý sống của mỗi dân tộc. Những nét đặc trưng trong kiến trúc Việt Nam như mái ngói cong, chất liệu tre, gỗ gần gũi với thiên nhiên hay kiến trúc Nhật Bản nổi bật bởi sự tối giản và tinh tế, đều nói lên rất nhiều điều về văn hóa và triết lý sống của người dân nơi ấy. Khi đưa được những giá trị này vào các công trình kiến trúc hiện đại, chúng ta không chỉ bảo tồn được nét đẹp truyền thống mà còn tạo ra giá trị gia tăng về du lịch và văn hóa.

Việc Huế chọn những chiếc lọng vàng cung đình để làm đẹp cây cầu Nguyễn Hoàng vì thế cần khuyến khích, đáng được ủng hộ hơn là phản đối.

Theo Báo Lao Động

Video