Hơn 400 doanh nghiệp tham gia xúc tiến đầu tư tại Quảng Ngãi

Ngày 20/10, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 chủ đề “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và Phát triển” với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

[caption id="attachment_71783" align="aligncenter" width="600"] Hơn 400 doanh nghiệp tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi 2017.[/caption]

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao và biểu dương nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định, sự phát triển của Quảng Ngãi còn gặp nhiều hạn chế, nền kinh tế tuy có tốc độ phát triển nhanh song quy mô còn nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhiều nhưng chưa ổn định, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI giảm dần, tuy ở mức khá của cả nước nhưng là thấp so với khu vực. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ; một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, dừng hoạt động. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội tuy đã được đầu tư và cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Trần Ngọc Căng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Hiện tại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn.

Đặc biệt, giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ. Hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi còn hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các doanh nghiệp. Đặc biệt rút ngắn thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả cho nhà đầu tư.

Nhờ vậy, trong 10 tháng năm 2017, Quảng Ngãi đã thu hút được hơn 88 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 74 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 275 triệu USD. Tổng vốn đầu tư tăng gấp 11 lần so với cả năm 2016 và số dự án tăng hơn 37 dự án so với cả năm 2016.

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam, với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người, với 14 huyện, thành phố (trong đó có huyện đảo Lý Sơn); có các vùng kinh tế rõ rệt: miền núi, đồng bằng đô thị và ven biển hải đảo, có thể đầu tư phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch và kinh tế biển đảo­.

Tỉnh cũng có một hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến quốc lộ 1A nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; trung tâm thành phố Quảng Ngãi cách sân bay Chu Lai khoảng 45km về phía Bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất đã được quy hoạch với diện tích hơn 45.000 ha. Là một trong 5 Khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Tại Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được các dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp đô thị Dung Quất; Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP và các dự án quan trọng khác.

Ngoài Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong đó Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP là một trong những dự án mới, kiểu mẫu đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gợi ý, tỉnh Quảng Ngãi cần chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở hoàn thiện tất cả các quy hoạch ngành (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất công nghiệp, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị…) một cách khoa học.

Gắn quy hoạch với việc tái cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu các ngành, sản phẩm trên cơ sở cân đối cung – cầu của thị trường quốc tế, khu vực và trong nước cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở quy hoạch, cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ nguồn lực, thứ tự ưu tiên…

Chia sẻ với báo chí, ông Miura Hiroki, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty điện tử FOSTER Quảng Ngãi nói, tập đoàn FOSTER đã đầu tư vào Quảng Ngãi vì thực sự bị thu hút bởi nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.

"Tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, đưa vào sử dụng đoạn cao tốc Tam Kỳ-Quảng Ngãi, chỉnh trang các khu công nghiệp…", ông Miura Hiroki nói.

Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án như: Trang trại bò sữa Vinamilk, Trung tâm thương mại và Siêu thị Hùng Cường Big C, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp, Nhà máy nhựa Phúc Hà-Dung Quất, Nhà máy sản xuất vải Xindadong TEXTILES-Dung Quất…

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video