Hơn 200 cuộc gặp gỡ B2B sẽ diễn ra trong chương trình xúc tiến thương mại “Agrofood Trade Mission 2016” lần 2
Ngày 15/3/2016, tại TP.HCM, chương trình “Xúc tiến thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam lĩnh vực thực phẩm và đồ uống lần thứ 2” (AGROFOOD TRADE MISSION 2016) đã chính thức diễn ra với sự tham gia của của hơn 19 công ty đến từ 9 nước Châu Âu như Bỉ, Pháp, Ý, Bulgaria, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Ireland và Lithuania.
[caption id="attachment_14517" align="aligncenter" width="700"]
Trong khuôn khổ của tuần lễ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Châu Âu sẽ có cơ hội tham gia hội thảo tìm hiểu về thị trường Việt Nam, làm việc và gặp gỡ hơn 160 đối tác Việt Nam cũng như tham dự “Đối thoại Việt Nam-EU” do Bộ Công thương, Liên Minh Châu Âu đồng bảo trợ, dưới sự tổ chức của Mạng lưới kết nối các doanh nghiệp Châu Âu – Việt Nam (EVBN).
So với lần đầu tiên, chương trình xúc tiến đầu tư thương mại năm 2016 có sự tăng về số lượng công ty lẫn quốc gia trong khối Liên minh Châu Âu đến tham dự, tập trung chính trong các ngành như chế biến hải sản, đồ hộp, sữa, bia rượu, thực phẩm đông lạnh… Dự kiến chương trình sẽ diễn ra tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội liên tục trong 4 ngày từ 15/3/2016 đến 18/3/2016. Theo EVBN, các doanh nghiệp hầu hết lần đầu tiên đến tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ cùng tham gia hội thảo chuyên đề và khoảng 200 cuộc họp B2B để trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác giao thương, tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu, nhà phân phối … giàu kinh nghiệm.
Trong bài phát biểu tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra những con số đầy tiềm năng về ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam trong những năm tới. Theo đó, dự báo sức tiêu thụ thực phẩm nói chung của Việt Nam đến năm 2016 sẽ tiếp tục tăng 5,1%/năm, ước tính đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Thu nhập bình quân có mức tăng trưởng ổn định 10% kéo theo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm chất lượng hơn tăng theo. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài gia tăng thị phần, phát triển mạng lưới phân phối.
Nhấn mạnh vấn đề này, diễn giả Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc phát triển kinh doanh công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết ngành hàng thực phẩm, thức uống được dự báo tiếp tục dẫn đầu thị trường hàng tiêu dùng nhanh với giá trị tiêu thụ tăng cao ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt, dù kênh phân phối hiện đại dù chỉ chiếm khoảng 10% mạng lưới nhưng sẽ chính là tâm điểm tạo nên dư địa lớn về sau, để các nhà đầu tư nhanh chóng phát triển thêm hệ thống của mình thông qua siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại trong thời gian qua, bà Delphin Rousselet – Giám đốc dự án EVBN cho biết bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với tại thị trường Châu Âu nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, các doanh nghiệp sẽ không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiếp cận cơ chế chính sách cũng như làm quen với đặc thù kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng bây giờ là các doanh nghiệp Châu Âu phải tìm ra cho mình đúng đối tác với cùng mục tiêu để kết nối thương mại dù là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài đã thành công tại Việt Nam. Bởi năm 2016 chính là thời điểm mở cửa cực kỳ tốt để chính họ xây dựng thương hiệu chứ không phải là giai đoạn 5 năm tới mới bắt đầu tiến sâu vào thị trường đầy tiềm năng này.
Với những hoạt động cụ thể và thiết thực, chương trình xúc tiến thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam lần này đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, hứa hẹn đem lại những hiệu quả xúc tiến đầu tư không nhỏ trong tương lai.
Ngô Huệ