Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) thảo luận gì tại Đà Nẵng?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp Đà Nẵng đã đưa tin, kỳ họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã khai mạc toàn thể tại trung tâm hội nghị Ariyana, Đà Nẵng. ABAC tại nước chủ nhà Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì sẽ kéo dài trong ba ngày từ ngày 04 - 06/11/2017.

Với lịch trình dự kiến được đánh giá là dày đặc các chương trình nghị sự, vậy ABAC tại Đà Nẵng thảo luận những gì?
Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC 2017, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) hiện gồm 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Mỗi nền kinh tế thành viên được cử 3 đại diện.
[caption id="attachment_73193" align="aligncenter" width="600"]
Các đại diện của Việt Nam sẽ nhóm họp ABAC tại Đà Nẵng kỳ này gồm có ông Hoàng Văn Dũng với vai trò Chủ tịch ABAC; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) và ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Sovico Holdings.
Cùng với sự kiện APEC thường niên, ABAC cũng được tổ chức hàng năm với 4 kỳ họp, trong đó 3 kỳ họp đầu tiên sẽ được diễn ra ở bên ngoài và kỳ họp cuối tại nền kinh tế chủ nhà.
Năm 2017, ABAC đã được tổ chức họp tại Thái Lan, Hàn Quốc, Canada và kỳ họp cuối hiện đang diễn ra tại TP Đà Nẵng của Việt Nam.
Về các hoạt động của ABAC, sau ba kỳ họp đầu, các nhóm công tác sẽ tổng hợp và xây dựng kiến nghị chung để đệ trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.
Như vậy, kỳ họp thứ 4 của ABAC tại Đà Nẵng lần này có mục tiêu chính là hoàn thiện các báo cáo và chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi song vẫn chưa chắc chắn, với phương châm mang lại các giá trị cởi mở, bao trùm và sáng tạo của nước chủ nhà Việt Nam, Báo cáo ABAC năm 2017 được đánh giá là “đưa ra các khuyến nghị hướng tới một khu vực APEC mở cửa hơn và hội nhập hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, mang lại lợi ích cho cả khu vực”.
Theo VCCI, 20 kiến nghị của ABAC đã được gửi tới các Lãnh đạo APEC năm nay bao gồm 6 kiến nghị liên quan đến hội nhập: Một là, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; Hai là, thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); Ba là, tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; Bốn là, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; Năm là: tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư; Sáu là, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người có 4 kiến nghị: Một là, ủng hộ chương trình kết nối APEC; Hai là, nâng cao kết nối kỹ thuật số và Internet; Ba là, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động có tay nghề và xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng; Bốn là, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vào thị trường toàn cầu thông qua kinh tế số và thương mại điện tử.
10 kiến nghị về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế: Một là, đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo; Hai là, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính; Ba là, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; Bốn là, đẩy mạnh tính bao trùm trong kinh tế, tài chính và xã hội; Năm là, đảm bảo an ninh lương thực; Sáu là, tăng cường an ninh năng lượng; Bày là, thúc đẩy tăng trưởng xanh; Tám là, đẩy mạnh tính bao trùm trong phát triển ngành khai khoáng; Chín là, xây dựng đội ngũ lao động có sức khỏe tốt; Mười là, tăng cường hợp tác công-tư về phát triển thị trường tài chính.
Theo Enternews