Hiểu biết sâu về thị trường sẽ đem lại thành công lớn
![]() |
Nếu muốn thành công tại thị trường đầy tiềm năng này thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần hiểu đúng về tôn giáo, nhu cầu lẫn thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt nên có kiến thức sâu, chắc chắn để hiểu về ngôn ngữ kinh doanh của người UAE từ đó xây dựng thành công chiến lược lâu dài. Với những yếu tố như: trung thực, nắm rõ nhu cầu thị trường và kiên trì với sản phẩm chất lượng, uy tín thì sẽ tạo ra cơ hội giao thương vững chắc tại thị trường UAE. Đó là những chia sẻ tâm huyết và chân thành của Đại sứ Việt Nam tại Abu Dhabi Nguyễn Mạnh Tuấn trong buổi phỏng vấn dành cho VietnamFDI.vn.
VietnamFDI: Thưa Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn, ông có thể chia sẻ sự phát triển trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - UAE thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Thời gian qua, Việt Nam và UAE đều trải qua giai đoạn khó khăn sau hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai nước đã có những nỗ lực to lớn trong công tác phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, từ đó duy trì được thương mại hai chiều và hướng tới khôi phục khối lượng trao đổi như thời kỳ trước đại dịch.
Mặc dù toàn cầu dường như đang phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - UAE năm 2021 vẫn đạt khoảng 5,26 tỷ USD, tăng 21,20% so với cùng kỳ năm 2020 (theo số liệu của Hải quan Việt Nam). Trong năm 2021, Việt Nam ước ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn đối với UAE là 4,12 tỷ USD.
Trong năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang UAE đạt 4,69 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm các nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép và hàng dệt may (kim ngạch 5 nhóm mặt hàng trên đã chiếm đến 86,91% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE trong năm 2021). Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác có kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng cao như: hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ, sắt thép các loại. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt 573,1 triệu USD, tăng 35,7% so với năm 2020. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu về Việt Nam lớn nhất là mặt hàng chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường khác, sản phẩm khác từ dầu mỏ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, quặng và khoáng sản khác, đá quý, kim loại quý.
Về Đầu tư, UAE là một trung tâm tài chính quốc tế với nhiều quỹ đầu tư có tiềm lực mạnh. Các nhà đầu tư UAE quan tâm nhiều đến thị trường Việt nam, nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch.
Với tiến độ phục hồi như hiện nay, Việt Nam và UAE còn nhiều dư địa để khai thác và thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước.
![]() |
Xin ông chia sẻ về những yếu tố đã khiến cho Việt Nam và UAE chưa khai thác triệt để tiềm năng và cơ hội hợp tác?
Trước hết là cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, sớm ký kết, triển khai các thỏa thuận giữa các bộ, ngành hai nước thông qua cơ chế Ủy ban Hợp tác Liên Chính phủ. Bên cạnh đó, cần tạo thêm kênh thông tin để cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên.
Tiếp đó, cần nghiên cứu và nắm chắc các yếu tố đặc thù của thị trường UAE. UAE và các nước Vùng Vịnh theo Đạo Hồi. Văn hóa, tập tục, sở thích của người dân địa phương cần được nghiên cứu kỹ. Hệ thống phân phối bán lẻ tại đây các thương gia Ấn độ chiếm vai trò chủ đạo. Các sản phẩm của Việt nam đang phải cạnh tranh rất quyết liệt về giá với các sản phẩm cùng loại từ các nước Nam Á, Đông Nam Á.
Sau cùng, các doanh nghiệp trong nước cần có tư duy hướng tới làm ăn lâu dài và bền vững, cần có sự kiên trì, bền bỉ tiếp cận thị trường UAE và khu vực Vùng Vịnh theo lộ trình, tránh tâm lý ăn xổi, đánh nhanh rút gọn. Cần chú ý xây dựng thương hiệu riêng, ổn định chất lượng, gây dựng được uy tín với sở tại. Đây cũng là điểm yếu cố hữu của nhiều nhà cung cấp Việt Nam.
![]() |
Thưa ông, các giải pháp và ý tưởng đột phá nào có thể áp dụng để gia tăng hiệu quả xúc tiến, mời gọi đầu tư và nhanh chóng đưa hàng Việt vào thị trường UAE?
UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực Vùng Vịnh tại Việt Nam, có thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, tài chính, cơ sở hạ tầng và logistics, có tầm nhìn kinh doanh quốc tế, hiện muốn đầu tư vào Việt Nam để tranh thủ các thỏa thuận đa phương, song phương Việt Nam đã ký với quốc tế. Không những thế, hiện nay UAE đang quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ, cơ sở hạ tầng và du lịch.
Để nhanh chóng đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE trong thời gian tới, ta cần nghiên cứu, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với UAE (UAE đã và đang ký các thỏa thuận thương mại, đầu tư toàn diện với một số nước như Ấn Độ, Indonesia ,những nước có dải mặt hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam) . Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô, mang tính trọng điểm, như xây dựng Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Dubai, hay tham gia các Triển lãm hàng tiêu dùng, thực phẩm tại Dubai. Các doanh nghiệp nên thiết lập văn phòng đại diện tại UAE, vừa tìm hiểu thị trường, thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác có uy tín.
Về đầu tư, nên khuyến khích các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư UAE tham gia các dự án lớn, trọng điểm như xây dựng khu kinh tế- thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, khu phức hợp du lịch- dịch vụ, trong đó cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hiện đang là mối quan ngại hàng đầu của các nhà đầu tư UAE.
![]() |
Ông có thể gợi ý cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam về chiến lược để chinh phục thị hiếu của khách du lịch UAE?
Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách riêng nhắm tới phân khúc khách du lịch Ả Rập (theo đạo Hồi). Tính đặc thù của chính sách này bao gồm các bộ sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng cần đánh trúng văn hóa và nhu cầu của khối khách Ả Rập, như du lịch kết hợp chữa bệnh,, kết hợp các tiện ích đi kèm: phòng/khu vực cầu nguyện, kinh sách, thảm và thiết kế thân thiện, đặc trưng văn hóa Ả Rập, thực phẩm có chứng nhận Halal…
Về thời điểm, cần có các gói khuyến khích du lịch vào các dịp nghỉ lễ dài của UAE như Lễ xả chay (Eid Al Fitr), Lễ nguyện ân phúc (Eid Al Adha), Ngày kỷ niệm của UAE (UAE’s Commemoration Day), Quốc khánh (National Day) và các dịp nghỉ lễ khác.
Tiếp đó, cần có kế hoạch quảng bá và tiếp thị du lịch và văn hóa Việt Nam một cách bài bản, thường xuyên, thân thiện, sáng tạo và hiệu quả trực tiếp tới khách du lịch UAE thông qua các mạng xã hội uy tín, các kênh của sở tại và quốc tế. Về lâu dài, nên xây dựng một trung tâm Việt Nam tại UAE để làm đầu mối tập hợp và quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam nói riêng và rộng hơn là các sản phẩm, thương hiệu và dịch vụ chất lượng của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hằng Chi - Phạm Tuấn