Hạt điều Lafooco thâm nhập thị trường nội địa, xây dựng vùng nguyên liệu riêng
Lafooco đang nỗ lực vượt qua các thách thức lớn của ngành điều là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường để chinh phục khách hàng.
Thách thức phát triển vùng nguyên liệu điều tại chỗ
Hiện nay, điều nhân của Việt Nam đang chiếm 60% thị phần điều trên thế giới, ngoại trừ Ấn Độ và Trung Đông thì điều của Việt Nam đang có mặt hầu khắp các quốc gia. Ngay trong “bảng vàng” xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam thì hạt điều cũng vươn lên đứng thứ 3 chỉ sau thủy sản và rau củ.
Chất lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá số 1 thế giới, thị trường cũng ngày một rộng mở tuy nhiên nguồn cung điều đang trở thành vấn đề “đau đầu” của các nhà chế biến điều trong nước. Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu điều nhân nhưng vùng nguyên liệu điều lớn nhất thế giới lại nằm ở Châu Phi (chiếm khoảng 70% nguyên liệu điều trên thế giới).
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Tuân, CEO Lafooco - một trong những công ty xuất khẩu điều đầu tiên của Việt Nam, việc phát triển vùng nguyên liệu điều tại chỗ đang là yếu tố tiên quyết để các nhà chế biến điều có thể lớn mạnh hơn tại nội địa. Để xuất khẩu được 3 tỷ USD thì Việt Nam cũng đã phải nhập đến 2,5 tỷ USD điều nguyên liệu từ các quốc gia cách nửa vòng trái đất này.
“Châu Phi tuy có vùng nguyên liệu điều lớn hơn Việt Nam rất nhiều nhưng công nghệ chế biến hầu như rất thô sơ nên không thể trực tiếp xuất khẩu điều nhân. Điều từ Châu Phi nhập về Việt Nam phải qua hơn 10 công đoạn chế biến để có sản phẩm điều nhân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước mắt, Châu Phi không phải là “đối thủ” trên thị trường xuất khẩu điều nhân của Việt Nam. Nhưng chính chi phí và rủi ro vận chuyển chính là yếu tố có thể làm giảm sức cạnh tranh về giá của điều nhân Việt Nam”, ông Tuân nói.
Lafooco nỗ lực đánh thức tiềm năng
Lafooco – doanh nghiệp đã xuất khẩu 80% sản phẩm của mình sang các thị trường lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ, Canada... đang có xu hướng đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo thói quen ăn uống của người Việt thì các loại hạt chưa phải thực phẩm thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn. Đây cũng là lý do chính hạt điều và các loại sản phẩm từ điều chưa phổ biến tại thị trường nội địa. Ngoài việc nhập khẩu điều thô tử Châu Phi, hiện Lafooco đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong nước để sản xuất những sản phẩm điều 100% “made in Viet Nam”.
Thực hiện việc này, Tập đoàn PAN (công ty mẹ của Lafooco) đã có một chiến lược dài hơi để xây dựng vùng nguyên liệu điều chất lượng. Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc tập đoàn PAN cho biết năng suất điều bình quân từ 1tấn/ ha đến 1,4 tấn/ ha. Nhưng ở Việt Nam, số lượng cây già cỗi (trên 20 năm) chiếm đến 30% nên cần thực hiện việc tái canh. Dùng giống chất lượng, có thể nâng năng suất lên khoảng 2,5 tấn/ ha và người dân sẽ có thu nhập gấp đôi.
Hiện nay PAN đang hướng đến mô hình liên kết với nông dân và các nhà khoa học, quản lý với hình thức PAN hỗ trợ giống, vốn, mô hình thí điểm và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Sản phẩm của Lafooco không chỉ được người tiêu dùng biết đến ở các thị trường truyền thống mà thông qua các hội chợ thực phẩm quốc tế, hạt điều của Lafooco ngày một phổ biến hơn. Mới đây, tại các hội chợ Sial Shanghai, Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghiệp Anuga (Cologne, Đức)..., hạt điều của Lafooco đã thâm nhập vào thị trường Hongkong và thị trường Đức sau khi các vị khách trực tiếp tham quan, thưởng thức và tìm hiểu quy trình chế biến của Lafooco.
Do đó, có thể thấy Lafooco đang nỗ lực vượt qua các thách thức lớn của ngành điều là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường để chinh phục khách hàng. Đây cũng là một thị trường rất tiềm năng, với con số xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt 330.000 tấn, kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Theo NDH