Hải sản Việt Nam sẽ ra sao nếu bị EU "rút thẻ vàng"?

Nếu bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản sẽ bị giữ 3-4 tuần để kiểm tra gây thiệt hại lớn về chi phí và thời gian, khiến DN Việt khó có thể cạnh tranh với các DN nước khác cùng xuất khẩu vào EU. Đặc biệt, sau thẻ vàng có thể là thẻ đỏ đồng nghĩa với cấm xuất khẩu các loại hải sản khai thác sang EU.

[caption id="attachment_70207" align="aligncenter" width="600"] Hải sản khai thác của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị EU tuýt thẻ vàng. Ảnh:Internet[/caption]

Sau đợt đánh giá tại Việt Nam từ ngày 15-19/5 vừa qua, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu đã có 5 nhóm khuyến cáo và yêu cầu Việt Nam khắc phục liên quan đến chống khai thác (hải sản đánh bắt từ biển như mực, bạch tuộc, cá ngừ, tôm sắt, cá biển…) bất hợp pháp trước ngày 30/9.

Tăng áp lực chi phí, thời gian

Theo đó, có khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ trừng phạt bằng cách cảnh báo thẻ vàng (yellow card) nếu Việt Nam không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing). Trong đó, có nhóm khuyến cáo về pháp lý và thực thi cần phải đưa vào luật và chờ Quốc hội thông qua.

Ông Ngô Viết Hoài- Phó tổng giám đốc CTy CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, nếu bị thẻ vàng, 100% container hải sản xuất khẩu xuất sang EU sẽ bị giữ lại từ 3-4 tuần để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

“Sẽ có hai khả năng xảy ra, nếu được thông quan thì DN cũng thiệt hại khoảng 600-700 euro/container chi phí neo đậu cảng, bến bãi trong 4 tuần kiểm tra. Trong trường hợp không được thông quan và bị trả về thì riêng tiền vận chuyển cho mỗi container đã mất 4.000 đến 5.000 euro, chưa tính tới thiệt hại hàng hóa. Đồng thời, tăng chi phí quá lớn sẽ khiến DN khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác cùng xuất khẩu vào EU”, ông Hoài phân tích.

Nói như vậy, dù có được thông quan hay không thì khi bị tuýt thẻ vàng, DN sẽ vẫn phải chịu phát sinh thời gian và chi phí lớn cho lô hàng xuất khẩu. Trong khi đó, EU là một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của VN. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hải sản đánh bắt của VN hằng năm đạt từ 1,9-2,2 tỉ USD. Trong đó, thị trường EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm 16-17%, tương đương với giá trị khoảng 350-400 triệu đô la Mỹ/năm.

“Nếu bị EU rút thẻ vàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang thị trường này. Sau thời gian bị thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không được đánh giá cải thiện, EU sẽ chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với cấm xuất khẩu các loại hải sản khai thác sang EU”, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Vasep nhận định.

Đặc biệt, theo ông Nam, việc nhận thẻ vàng từ EU có thể sẽ ảnh hưởng tới thị trường trường Mỹ và các thị trường có tiềm năng khác. “Mỹ cũng có kế hoạch chuẩn bị hệ thống kiểm soát nhập khẩu hải sản nhằm chặn khai thác bất hợp pháp từ ngày 1/1/2018”, ông Nam cho biết thêm.

Nhiều rào cản thực hiện

Nhận định về nguy cơ này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, vấn đề thực thi các quy định về chống khai thác trái phép không dễ dàng, cần các bên liên quan hành động ngay mới đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Việt Nam đề nghị EU lùi thời hạn xem xét vấn đề thẻ vàng để có thời gian khắc phục.

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Sắc- Phó chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Ủy ban Hải sản- Vasep, cho biết, khối lượng công việc phải làm rất lớn như phải sửa luật, quản lý hệ thống tàu thuyền và đánh bắt cá, truy xuất nguồn gốc…

“Để làm việc này ở Việt Nam là rất khó. Tàu thuyền nước ngoài là tàu có mã lực lớn, máy định vị tốt nên quản lý dễ dàng hơn, trong khi tàu thuyền của Việt Nam là tàu nhỏ, số lượng quá nhiều, để định vị được không phải dễ dàng”, bà Sắc nhận định.

Bên cạnh đó, ngoài việc phải đầu tư phần cứng cho các con tàu đó thì phải huấn luyện về phần mềm, tức đào tạo cho các chủ tàu hiểu biết và nhận thức như thế nào là đánh bắt bất hợp pháp, như thế nào là được quyền và không được quyền... “Cần nhiều thời gian để làm được việc này. Nhưng đây cũng là lúc lập lại trật tự, xây dựng và củng cố hệ thống đánh bắt cho chỉn chu hơn. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác", bà Sắc nói.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn các tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của các nước ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cảng ở các tỉnh/cảng nơi có “tàu xanh dương” (tàu đánh bắt hải sản trái phép) cập bến, tăng cường thanh kiểm tra sản lượng cập bến. Triển khai kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn diện dựa trên các tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu… Nói như Thứ trưởng Vũ Văn Tám: "Quan trọng là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hiểu rằng là phải làm thật, chứ không phải đối phó. Xung quanh chúng ta đã có Thái Lan, Philippines bị thẻ vàng, Campuchia bị thẻ đỏ, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho ngành và xuất khẩu"

Về phía các DN, trước nguy cơ bị rút thẻ vàng, 52 DN đã đăng ký tham gia tự nguyện, đóng phí ban đầu 20 triệu đồng/DN và sau đó là dựa trên doanh thu xuất khẩu hải sản để đóng phí nhằm thực thi các chương trình hành đồng như phổ biến, tập huấn cho ngư dân, thương nhân tại các cảng cá, nâng cấp và thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc hải sản.

Có thể thấy, việc vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như hơn 50 DN kể trên là động thái tích cực trước nguy cơ hải sản Việt bị EU tuýt thẻ vàng, tuy nhiên phải hiểu rõ, phía EU không chỉ đánh giá dựa trên một vài DN mà đánh giá trên cả cộng đồng gồm nhiều DN lớn nhỏ khác, do đó, cần có sự cam kết vào cuộc của cả cộng đồng DN Việt, tránh nguy cơ mất thị trường tiềm năng lớn này.

Quy định IUU (về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) của EU nhằm đảm bảo không có sản phẩm khai thác nào bị đánh bắt bất hợp pháp xâm nhập được vào thị trường này. Cụ thể, quy định này yêu cầu các nước sở tại phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, do đó đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản được giao thường từ hay vào EU.

Khi nước cấp quốc tịch cho tàu không thể xác minh tính hợp pháp của các sản phẩm phù hợp với các quy định quốc tế, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bắt đầu một quá trình hợp tác và hỗ trợ các nước này cải tiến khuôn khổ pháp lý và các hoạt động quản lý của mình. Các mốc quan trọng của tiến trình này là cảnh báo (giơ thẻ vàng), thẻ xanh sẽ được đưa ra nếu các vấn đề cảnh báo được giải quyết và ngược lại thẻ đỏ sẽ được ban hàng và kèm theo lệnh cấm giao dịch thương mại.

Theo Thy Hằng Enternews

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video