Gỡ vướng để vốn ngân hàng "gặp" được doanh nghiệp
Trong khi ngân hàng (NH) và chuyên gia cho rằng, hiện nay nguồn vốn khá dư dả, nhưng các doanh nghiệp (DN) quá yếu để hấp thụ, thì các DN lại cho rằng tiếp cận vốn khó khăn, thủ tục phức tạp.
[caption id="attachment_6883" align="aligncenter" width="700"]
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất.
Tại hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho DN” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn NH một cách hiệu quả.
Cụ thể như chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà trong xây dựng…
Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn. Các DN và NH cần thẳng thắn đối thoại, nói ra những khó khăn, vướng mắc của mình trong vấn đề tiếp cận vốn.
Đặc biệt, hiện tại, nhiều DN Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn NH. Đây là vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn. Trong thời gian tới, NH cần tính toán lại để đảm bảo sự cân đối giữa vốn tự có của DN và vốn cho vay của NH.
Đại diện cộng đồng DN cho rằng, dù NHNN đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi, nhưng ở thời điểm hiện nay, lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.
Hiện nay, rất nhiều NH thương mại cổ phần đã hết room tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Do vậy, NHNN cần đưa ra chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Các NH thương mại phải triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của NHNN. Muốn như vậy, bản thân NH cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp DN sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ NH trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Đại diện một số DN cho rằng, hoạt động tín dụng ở Việt Nam quá nặng về tài sản thế chấp, mà NH không thật sự đi sâu phân tích dự án, đồng hành cùng DN quản lý dòng tiền.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi, Chế biến và Xuất nhập khẩu cho rằng thời gian tới, NHNN Việt Nam cần quan tâm hơn tới hỗ trợ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Với các DN nhỏ lẻ, công tác an sinh xã hội cần được đầu tư nhiều hơn nữa.
Cần nỗ lực từ nhiều phía để ngân hàng gần DN hơn
Trước những băn khoăn của đại diện DN, bà Nguyễn Thị Hồng đã trả lời thắc mắc trong từng lĩnh vực.
Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là một trong 5 lĩnh vực nằm trong chủ trương ưu tiên của Chính phủ. Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp cho ngành này. Cụ thể, NHNN đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41, có nhiều điểm mới như: Tăng cho vay tín chấp, bổ sung đối tượng mới được cấp tín dụng, khuyến khích liên kết phát triển…
Ngoài ra, NHNN còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm liên kết, xử lý những khó khăn vướng mắc cho DN ngay tại địa phương. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng tại địa phương như cho vay tạm trữ, tái cấp vốn… Nhờ các chính sách này, NHNN đã góp phần tích cực cho việc tháo gỡ khó khăn cho DN.
Về vấn đề tín chấp, NHNN đã có chỉ thị chỉ đạo các NH tăng cường cho vay tín chấp. NHNN sẽ tiếp tục hoàn hoàn thiện những thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bà Hồng cũng yêu cầu, khi vay vốn NH, DN cũng cần cân nhắc khả năng trả nợ. Vì vậy, việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng.
Liên quan đến ý kiến cán bộ NHNN cần phải nâng cao trình độ để thẩm định đúng dự án của DN, tránh cho vay bừa bãi, bà Hồng khẳng định: Thời gian qua, NHNN và các tổ chức tín dụng đã tăng cường đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ. Chính vì vậy, việc đánh giá, thẩm định dự án cho vay vốn đã ít rủi ro hơn. DN cũng nghiêm túc hơn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn.
Về tín dụng cho thủy sản, ông Lê Đào Nguyên, Ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, BIDV đã tích cực, chủ động tham gia công tác hoàn thiện, cũng như triển khai Nghị định 67, trong đó chủ động tiếp cận, làm việc trực tiếp với từng chủ tàu, ngư dân để tìm ra nút thắt trong việc cho vay vốn, từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp với thực tế.
BIDV nhận thấy, một trong những nút thắt lớn nhất trong triển khai tại các NH thương mại là việc bà con ngư dân thiếu hụt hoặc không chứng minh được phần vốn đối ứng phải tham gia theo phương án vay đóng mới tàu. BIDV đã ban hành “Gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67”.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho rằng, phía DN cũng cần phải nỗ lực. Bên cạnh nỗ lực của các tổ chức tín dụng, để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, các DN cũng cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Các DN cần tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định; tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là giữa DN có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để các DN có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng phát triển bền vững.
Cần đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc duy nhất vào nguồn tín dụng NH; tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng; xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả;
Đồng thời tham gia các hiệp hội DN trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh, tìm kiếm sự hợp tác trong kinh doanh giữa các DN để tận dụng nguồn lợi của nhau cùng phát triển.
Đối với các hiệp hội, ngành nghề, NHNN cũng đề nghị nâng cao hơn nữa vai trò, tầm ảnh hưởng của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng các quỹ hỗ trợ DN làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và DN tiếp cận nhau.
Tổ chức định kỳ đối thoại giữa các tổ chức tín dụng với các hiệp hội ngành nghề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn NH của các DN; hỗ trợ cho các DN trong việc khai thác thị trường đầu ra thông qua việc cung cấp thông tin thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm…
Theo chinhphu.vn