Giá chào sàn của Vidipha có hấp dẫn nhà đầu tư?
Lên sàn với mức giá 28.300 đồng/cp là hấp dẫn cho một cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành dược quy mô nhỏ, có thương hiệu lâu đời và thị phần ổn định qua các năm.
[caption id="attachment_65367" align="aligncenter" width="600"]
CTCP Dược phẩm Trung Ương (VDP) tiền thân là Công ty Phát triển Kỹ nghệ Dược Trung ương, thành lập năm 2003. VDP đã được Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận niêm yết 12.782.904 cổ phiếu vào ngày 15/8/2017 với giá 28.300 đồng/cp, biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%.
Tính đến ngày 16/2/2017 có 3 cổ đông nắm giữ trên 5% cổ phiếu của công ty, gồm có Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm 14,3%,CTCP An Việt (11,6%) và ông Kiều Hữu (10%) - hiện là Chủ tịch HĐQT của công ty. Cơ cấu sở hữu phân tán này giúp cổ phiếu VDP giảm bớt rủi ro thanh khoản khi niêm yết.
Nguồn doanh thu chính của VDP đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu; bán buôn thuốc; kinh doanh, xuất nhập khẩu mỹ phẩm. Công ty có chuỗi phân phối sản phẩm đến các nhà thuốc và bệnh viện trên toàn quốc, ngoài ra còn có 3 cửa hàng ở Hà Nội và 3 cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu sản phẩm và thăm dò, nghiên cứu thị trường.
VDP là một trong các doanh nghiệp trong nước sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và đang đầu tư xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Hiện tại Công ty đang có 5 phân xưởng sản xuất thuốc hiện đại và khép kín.
Theo báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng năm 2017, VDP dự định tổng doanh thu trong năm sẽ đạt 467 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2016), tổng lợi nhuận sau trước thuế đạt 60 tỷ đồng (đạt 80% so với năm 2016); nộp ngân sách Nhà nước 25 tỷ đồng, đáng chú ý tỷ lệ cổ tức tăng từ 20% lên 22%/ vốn điều lệ.
Tại thời điểm kết thúc quý 1/2017, quy mô tổng tài sản của VDP là 518,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 402,6 tỷ, tương ứng 77,6% và tài sản dài hạn 116 tỷ đồng, tương ứng 22.4% tổng tài sản. Các khoản mục chủ yếu là 129,6 tỷ tiền gửi ngân hàng, 116,8 tỷ tiền phải thu của khách hàng và 102 tỷ giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.
Về cấu trúc nguồn vốn, tổng số nợ phải trả là 13,8 tỷ đồng, đóng góp 25,2% và vốn chủ sở hữu là 387,8 tỷ, đóng góp 74,8%. Số dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn cuối kỳ là 39,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 83,5 tỷ đồng.
VDP là doanh nghiệp thành lập lâu đời nên đã có thương hiệu trên thị trường và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm. Tuy nhiên do được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước nên hoạt động của VDP còn mang tính ổn định, chưa tạo được sự nổi trội cho sản phẩm và bứt phá trong chiến lược kinh doanh. Do đó, theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với những lợi thế có sẵn, VDP có thể chủ động cải thiện năng lực sản xuất, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, đầu tư cho sản phẩm và tăng cường hiệu quả quản trị để tạo ra thế mạnh cho doanh nghiệp nhằm nắm bắt cơ hội tăng trưởng của ngành Dược trong trung và dài hạn.
Trong năm nay, BVSC cũng dự báo VDP sẽ đạt 420 tỷ đồng doanh thu sản xuất (+7% yoy) dựa trên tốc độ tăng trưởng doanh thu ở 6 tháng đầu năm 2017. VDP sẽ hoạch toán lợi nhuận từ bán bất động sản là ~17,5 tỷ đồng. Với giả định biên lợi nhuận ổn định và các chi phí khác không có nhiều thay đổi, VDP có thể đạt 47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 18% yoy. EPS dự phóng 2017 đạt 3.663 đồng/cổ phiếu, nếu loại trừ thu nhập bất thường, EPS 2017 ~2.662 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá về cổ phiếu này, công ty chứng khoán này cũng cho thấy với mức giá niêm yết là 28.300 đồng, cổ phiếu VDP sẽ giao dịch với P/E trailing là 6,3x, P/E forward là 7,61x (theo lợi nhuận ước tính năm 2017). Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường, PE forward 10,6x, vẫn thấp hơn so với P/E của các công ty dược phẩm đã niêm yết. Do đó, mức giá này hấp dẫn cho một cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành dược quy mô nhỏ, có thương hiệu lâu đời và thị phần ổn định qua các năm.