FLC thoát lỗ nhờ bán gần 49% vốn Bamboo Airways?

Báo cáo tài chính quý IV/2019 của FLC cho biết, tập đoàn này đã chuyển nhượng gần 49% vốn hãng hàng không Bamboo Airways trong quý cuối năm nhưng bên nhận không được tiết lộ.

Công ty CP Tập đoàn FLC (mã cổ phiếu FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và kết quả kinh doanh cả năm 2019 với khoản doanh thu tăng 38%. Tuy vậy, 2019 cũng là năm đầu tiên tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh.

Lỗ gộp hơn 340 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh

Nổi lên là một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lớn tại thị trường Việt Nam những năm gần đây, trong 2 năm gần nhất (2017-2018) FLC đều ghi nhận trên 10.000 tỷ đồng doanh thu với biên lãi gộp xấp xỉ 10%.

Năm 2019, với hàng loạt khoản đầu tư mới, đặc biệt là việc khai thác thương mại hãng hàng không Bamboo Airways đã giúp doanh thu của tập đoàn này cải thiện đáng kể.

Tính riêng quý IV/2019, FLC ghi nhận 5.093 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, diễn biến tương tự 3 quý trước đó, từ khi đưa hãng hàng không Bamboo Airways đi vào khai thác thương mại, giá vốn hợp nhất của tập đoàn này lại có xu hướng tăng cao. FLC đã có quý thứ 2 trong năm nay (sau quý II) ghi nhận giá vốn vượt trên doanh thu khiến công ty lỗ gộp hơn 368 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gộp 464 tỷ đồng.

FLC thoat lo nho ban gan 49% von Bamboo Airways? hinh anh 1 KET_QUA_KINH_DOANH_CUA_FLC_zing.jpg

Phải nhờ tới khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ mà tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết mới thoát lỗ quý IV với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 505 tỷ đồng.

Cũng trong quý IV, công ty này còn ghi nhận khoản hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 85 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp này ghi nhận được riêng 3 tháng cuối năm lên tới 591 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

Bức tranh tài chính cả năm 2019 cũng tương tự quý IV khi doanh thu hợp nhất tập đoàn tăng 38%, đạt 16.569 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết đã lỗ gộp 341 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp hơn 1.222 tỷ đồng). Đây cũng là năm đầu tiên trong hàng chục năm kinh doanh tập đoàn này mới lỗ gộp.

Nhờ hoạt động tài chính mang về tới 3.076 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 3 lần năm 2018 thì tập đoàn này mới thoát lỗ hoạt động kinh doanh năm vừa qua.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh, FLC ghi nhận 783 tỷ đồng lãi trước thuế và 679 tỷ đồng sau thuế, tăng lần lượt 16% và 44% so với năm trước.

FLC thoat lo nho ban gan 49% von Bamboo Airways? hinh anh 2 LOI_NHUAN_TRUOC_THUE_CUA_FLC_zing.jpg

Bán 49% vốn Bamboo Airways

Ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng dương nhưng toàn bộ phần lãi FLC thu về được trong năm 2019 đều đến từ hoạt động tài chính trong khi hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ gộp.

Năm vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của tập đoàn này tăng gần 2.200 tỷ đồng trong khi mức chi phí chỉ tăng hơn 70 tỷ đồng. Riêng quý IV, doanh thu từ hoạt động này đã mang về cho tập đoàn 1.482 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng

Theo FLC, đóng góp chính vào doanh thu này là các khoản lãi từ tiền gửi và cho vay, lãi từ bán các khoản đầu tư.

Tính đến cuối năm 2019, tập đoàn này có khoảng hơn 634 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (gồm cả tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn). Trong khi các khoản phải thu về cho vay không tăng đáng kể so với năm trước.

Thay đổi lớn nhất ghi nhận trong báo cáo tài chính lần này của FLC chính là việc tập đoàn đã chuyển nhượng 48,89% vốn tại hãng hàng không Bamboo Airways trong quý IV. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 100% (cuối quý III) xuống 51,11% hiện tại.

FLC thoat lo nho ban gan 49% von Bamboo Airways? hinh anh 3 images2322070_nh_1_2_.jpg

FLC chỉ còn nắm giữ 51,11% vốn tại Bamboo Airways đến cuối năm 2019. Ảnh: Bamboo Airways.

Thông tin về thương vụ cũng như đối tác nhận chuyển nhượng không được tiết lộ nhưng đây là thương vụ chuyển nhượng vốn duy nhất tập đoàn này thực hiện trong quý IV. Vì vậy, phần lớn khoản tăng thêm (hơn 1.000 tỷ đồng) ở hoạt động tài chính trong quý vừa qua đều đến từ thương vụ này.

Cũng trong quý IV/2019, FLC đã tăng vốn hãng hàng không của mình từ 1.300 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng qua 2 đợt. Tuy nhiên, tại các lần tăng vốn này 100% vốn sở hữu tại Bamboo Airways vẫn là vốn tư nhân trong nước.

Hãng hàng không này được thành lập từ ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng và chủ sở hữu duy nhất là Tập đoàn FLC.

Trong bài phỏng vấn với Bloomberg mới đây, CEO Đặng Tất Thắng cho biết lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Đồng thời, hãng hàng không này dự kiến sẽ niêm yết vào quý II/2020 trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Đây là thông tin bất ngờ khi việc thua lỗ trong năm đầu vận hành là điều được nhiều chuyên gia hàng không dự báo về Bamboo Airways.

Theo Zing

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video