Du thuyền “tắc” vì bến bãi
Mặc dù, nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, nhưng những bến du thuyền tại Bà Rịa – Vũng Tàu buộc phải bỏ lỡ nhiều cơ hội bởi sự quan tâm chưa đúng mức của chính quyền.
[caption id="attachment_41589" align="aligncenter" width="588"]
Bến du thuyền (Marina) được xây dựng trên vịnh Sông Dinh, nhìn từ Bến Marina sang bên kia vịnh là Đảo Long Sơn và Gò Găng – là một trong những địa điểm du lịch mới lạ ở thành phố biển Vũng Tàu. Nhưng điều trớ trêu, bến thuyền thiếu bến đỗ khiến du khách ít có điều kiện được thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp của hai hòn đảo này.
Chia sẻ với DĐDN, ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Bến tàu Marina cho rằng, với số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng phát triển loại hình du lịch bằng du thuyền nhưng chúng tôi mới chỉ khai thác chưa được 50% hiệu quả từ loại hình du lịch này vì không có bến bãi để thuyền cập. Điều đáng nói, mặc dù, DN đang có mong muốn được đầu tư bến tại đảo Côn Sơn để phục vụ cho tàu thuyền cập bến thì lại gặp khó trong những quy định chưa có tính thống nhất của chính quyền địa phương. Vì vậy, DN vẫn chưa được giao diện tích mặt nước để đầu tư phát triển. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có quy định nào dành cho hoạt động du thuyền. Đồng thời, các quy định về du lịch đường biển cũng chưa được chuẩn hóa giữa các tỉnh thành nên du thuyền muốn cập cảng và neo đậu phải trả rất nhiều loại phí khác nhau. “Điều này, đang vô hình trung làm nản lòng nhà đầu tư như chúng tôi” – ông Quyết chia sẻ.
Nhìn nhận ở quy mô rộng hơn, ông Quyết cho rằng, hiện VN vẫn chưa có cảng hành khách chuyên biệt đối với du lịch bằng du thuyền, tàu thuyền. Vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, tàu du lịch quốc tế đều phải cập “ké” các cảng hàng hóa. Công năng của cảng hàng hóa với lớp lớp container, dầu nhớt, bụi, bẩn, tiếng ồn… không phù hợp và không đáp ứng được tiêu chuẩn về bến bãi, vệ sinh, cảnh quan, môi trường cho khách du lịch. Đây chính là lý do phần lớn du thuyền trong khu vực thường đi vòng và tránh VN khiến chúng ta mất nhiều cơ hội và doanh thu.
Theo ông Quyết, một đất nước có “mặt tiền” biển hơn 3.200km, muốn phát triển du lịch biển… bắt buộc phải có cảng cho tàu du lịch. Một cảng du lịch đúng nghĩa theo Quyết phải có chức năng hai trong một (quốc tế và quốc nội)… và được thiết kế sang trọng, đạt chuẩn để du khách vừa bước ra khỏi tàu là có được cảm giác hài lòng, thoải mái, có thể mua sắm, ngắm cảnh, tham quan, ăn uống, thư giãn… “Cần một điểm khởi đầu thuận lợi và điểm trở về luyến tiếc, để du khách nhiều lần trở lại thì du lịch VN sẽ chuyển từ phần ngọn nhỏ bé sang “ăn” tận gốc của thị trường du lịch cao cấp” – ông Quyết nhấn mạnh.
Theo Mai Thanh DĐDN