Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Đòn bẩy cho phát triển kinh tế

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với 8 chương và 83 điều đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc khoa học công nghệ. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có khoa học công nghệ phát triển". Đồ họa: Hạo Thiên

So với Luật Khoa học, công nghệ (KHCN) năm 2013, Dự thảo bổ sung mạnh mẽ nội dung đổi mới sáng tạo, điều chỉnh cấu trúc theo hướng tinh gọn, giảm thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số và hậu kiểm. Lần sửa đổi này được đánh giá có tính cách mạng, tạo bước ngoặt trong quản lý và phát triển hệ sinh thái KH, CN và ĐMST quốc gia.

Những đổi mới mang tính cách mạng trong lĩnh vực KHCN

Bàn về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ 10 đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng, hứa hẹn tạo ra bước chuyển lớn trong lĩnh vực KH, CN và ĐMST.

Trong đó, theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật lần này đã góp phần làm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.

Dự thảo Luật tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, Dự thảo Luật KH, CN và ĐMST lần này tập trung vào việc lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, định hướng cho phát triển công nghệ và xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.

Theo bộ trưởng, dự thảo lần này giúp tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng giữa các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu... Trong hệ sinh thái này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST. Đồng thời, giúp thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn...

Đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững

Chia sẻ với Lao Động, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh hiện nay, có thể coi nghiên cứu khoa học và các thành tựu khoa học là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương - cho rằng, nghiên cứu khoa học và các thành tựu khoa học là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế. Đồ họa: Hạo Thiên

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống đã trở nên rõ ràng và cấp thiết. Nếu không chủ động nghiên cứu, không tạo ra các thành tựu khoa học trong nước mà chỉ trông chờ vào chuyển giao công nghệ từ bên ngoài, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn cả về thời gian, công sức và tài chính. Thậm chí, chúng ta có nguy cơ trở thành quốc gia tụt hậu.

Khi tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế. Bài học từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, dù không sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng nhờ chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, họ đã vươn lên mạnh mẽ” - bà Nga chia sẻ.

Từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, việc Quốc hội xem xét Dự thảo Luật KH, CN và ĐMST là một bước đi cần thiết và đúng hướng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - đánh giá, việc chấp nhận đầu tư mạo hiểm, đầu tư có rủi ro là một bước tiến lớn, giúp các tổ chức và doanh nghiệp dám nghiên cứu cái mới, ứng dụng vào thực tiễn.

“Chúng ta biết rằng, trong nghiên cứu khoa học chưa thể chắc chắn được kết quả sẽ tạo ra vì nó là cái mới. Tuy nhiên, không có nghĩa hoạt động nghiên cứu đó là vô ích bởi nó tạo ra bài học, kinh nghiệm cho những nghiên cứu sau. Còn nếu có kết quả tốt thì đó chính là đột phá trong khoa học, công nghệ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của đất nước..." - ông Cường nhận định.

Theo Báo Lao Động

Kiên quyết bài trừ “vấn nạn” thực phẩm bẩn

Hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn bị xử lý thời gian gần đây cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong việc bài trừ “vấn nạn” này.

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Video