Động lực phát triển kinh tế phía Nam TP.HCM: Thành công và những ấp ủ cho tương lai
TP.HCM được đánh giá có tiềm năng tầm cỡ để vươn mình phát triển như Thượng Hải, Bombay hay Tokyo bởi các yếu tố cực kỳ thuận lợi về vị trí địa lý, quy mô thị trường, lực lượng lao động… và đặc biệt là có tiềm năng cho tầm nhìn dài hạn. Xét trong bối cảnh tương lai khi nền kinh tế của Việt Nam chắc thế hơn, vững mạnh hơn trên thị trường quốc tế thì TP.HCM với vị trí ngã tư đường của phía Đông thế giới – điểm giao dịch thuận lợi giữa Đông – Tây – Bắc trong bối cảnh một Đông Nam Á mang tính toàn cầu hóa cao sẽ là một vị trí vô cùng quan trọng. Vì thế, những kỳ vọng lớn đặt vào từng bước đi và từng thể chế linh hoạt để mở đường cho một mô hình phát triển ở phía Nam Thành phố đang luôn là tiêu điểm của các cấp lãnh đạo và cả người dân.
[caption id="attachment_34089" align="aligncenter" width="687"]
Thành công quy hoạch bước đầu
Khu đô thị mới Nam thành phố trải dài dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trên địa bàn các huyện Bình Chánh, quận 8 và quận 7 hiện vẫn phần nhiều là đất nông nghiệp. Trong khi đó tại quận 7, phần diện tích đất thuộc của Khu đô thị mới Nam thành phố rộng hơn 2.900 ha nhưng đến nay mới chỉ đầu tư được khoảng 1.000 ha. Phần còn lại là những khu vực dân cư nhỏ lẻ, đất nông nghiệp, một số nơi còn đất hoang hóa.
Trong chiến lược mở rộng không gian đô thị của TP.HCM về phía Nam, khu vực đô thị còn được mở rộng ra huyện Nhà Bè (nằm dọc trên tuyến đường Trục Bắc Nam – Nguyễn Hữu Thọ) và trọng tâm là phát triển Khu đô thị Cảng Hiệp Phước hơn 3.900 ha gồm nhiều cấu phần công nghiệp, cảng và đô thị. Tính cho tới nửa cuối năm 2016, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước chỉ mới phát triển được khoảng gần 1.000 ha tại các Khu công nghiệp Hiệp Phước 1 và 2 cùng một số cảng nằm dọc tuyến sông Soài Rạp, còn các cấu phần khác vẫn chưa được triển khai thực địa. Đánh giá vai trò kết nối giao thông quốc tế và vùng đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam thành phố, hướng kết nối thông thương hàng hải quốc tế và thủy nội địa, việc đẩy mạnh phát triển khu vực nói trên sẽ có ý nghĩa tạo đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng cho TP.HCM, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương. Quỹ đất được sử dụng có mục đích rõ ràng còn góp phần vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhìn lại chặng đường phát triển vùng đất này từ khi chỉ là một vùng đất ngập mặn hoang hóa đến nay, không thể không nhắc đến những cột mốc của những dự án đầu tiên của người tiền nhiệm đã dày công gây dựng như Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Khu Công nghiệp Hiệp Phước 1 & 2, Cảng SPCT, luồng Soài Rạp cho tàu trên 50.000 tấn ra vào cảng TPHCM…đều là những dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Chỉ tính riêng 2 cột mốc mà hầu như người dân thành phố đều ấn tượng là từ chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận thành lập vào năm 1989 để hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp đến khu đô thị xanh Phú Mỹ Hưng có quy mô hơn 400 ha chính thức được đưa vào sử dụng, toàn bộ khu vực đã được thay hình đổi dạng, khoác lên mình vai trò tiên phong của cả khu vực và quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nếu như khu chế xuất Tân Thuận đã góp phần để lại các dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới kinh tế; giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong những dự án đóng góp đặc biệt trong tiến trình phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng mà đến nay dường như vẫn chưa có sự soán ngôi mô hình đô thị kiểu mẫu này.
Dựa trên những bài học và kinh nghiệm rút ra từ hơn 2 thập niên phát triển khu vực này, lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị cùng chung vai sát cánh từ những ngày đầu như Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), các nhà đầu tư khác… đã quyết tâm hình thành một khu vực kinh tế năng động, gia tăng hiệu quả quá trình chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp hiệu quả thấp thành những khu đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Khi thành phố xác lập hướng phát triển về phía Nam sẽ tạo ra sức sống mới cho đô thị hiện đại và hiệu quả hơn gắn chặt với phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ và công nghiệp sạch, chú trọng dịch vụ logistic…
Mục tiêu của việc xây dựng khu vực kinh tế này tại TP.HCM sẽ vừa tạo ra sự phát triển kinh tế vừa đòi hỏi những nỗ lực của chính quyền các cấp nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư quốc tế, tập trung các đột phá về thể chế, thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gắn với liên kết vùng, liên kết quốc tế, sẽ là động lực thúc đẩy phát triển của vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như bất cứ một khu vực kinh tế nào, muốn phát triển thì hạ tầng giao thông luôn phải đi đầu, là cơ sở nền tảng cho phát triển kinh tế. Khu vực phía Nam thành phố được quy hoạch với đầy đủ các hạng mục giao thông trọng yếu từ đường bộ, đường sắt và đường thủy như vành đai 2, 3, 4, tuyến đường trục Bắc Nam (Nguyễn Hữu Thọ); tuyến đường sắt hàng hóa (song hành với vành đai 4), tuyến metro số 4 và tuyến hàng hải (Soài Rạp) cũng như thủy nội địa. Việc đầu tư hạ tầng hiện nay giao thông đang là một đòi hỏi cấp bách đáp ứng cho sự phát triển.
[caption id="attachment_34090" align="aligncenter" width="687"]
Triển vọng Khu đô thị cảng Hiệp Phước
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phía Nam thành phố là một trong 2 hướng phát triển chính của TP.HCM nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng về đô thị - công nghiệp - cảng, trong đó chiến lược di dời và phát triển cảng là điểm đặc biệt duy nhất chỉ có ở khu vực phía Nam thành phố. Việc phát triển không gian đô thị của thành phố hướng ra biển Đông, phù hợp với xu hướng vươn ra biển của các đô thị hiện đại trên thế giới. Khu vực này đang hình thành gồm có cảng biển Hiệp Phước, khu công nghiệp Hiệp Phước và khu đô thị Hiệp Phước đặc biệt phù hợp phát triển kinh tế biển và dịch vụ logistics.
Theo kế hoạch dự kiến cụm đô thị - công nghiệp – cảng tại Hiệp Phước sẽ dần trở thành trọng tâm phát triển của khu vực phía Nam TP.HCM từ đó tạo sự kết nối giao thương quốc tế và giữa các khu đô thị, các khu công nghiệp của các tiểu vùng Đông Bắc (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), tiểu vùng Tây Bắc (Tây Ninh, Bình Phước), tiểu vùng Tây Nam (Long An, Tiền Giang) để hình thành chùm đô thị và khu công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để hoàn thiện tổng thể quy hoạch khu đô thị mới phía Nam và Khu đô thị Cảng Hiệp Phước, công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) sẽ tiến hành đầu tư và kêu gọi đầu tư chuẩn bị cơ sở hạ tầng với 1 số dự án như dự án mở rộng theo trục Bắc Nam giai đoạn 3 cũng như nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ tại khu vực phía Nam để giảm xung đột giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời phát triển cụm khu công nghiệp – cảng – đô thị Hiệp Phước.
Chia sẻ thêm về những nhiệm vụ trọng tâm mà IPC đang gánh vác, ông Tề Trí Dũng – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) cho biết: “Vai trò cũng là quan điểm của IPC từ trước đến nay chính là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển các vùng đất hoang hóa, không có giá trị kinh tế cao để sự phát triển của dự án tiềm năng không mâu thuẫn với lợi ích của người dân mà chỉ góp phần gia tăng lợi ích cho người dân, điển hình như tại khu vực ngập mặn Tân Thuận, Long Hậu hay Hiệp Phước. Sự đồng thuận cao của người dân cùng sự chắt chiu từ các khoản đầu tư đã củng cố niềm tin song song với việc nhiều dự án trước đóđã bước vào giai đoạn gặt hái thành quả cũng đã bồi đắp tiềm lực tài chính giúp IPC tự tin trong những kế hoạch dài hơi hơn của mình.”
Đại diện công ty cũng cho biết thêm, hiện nay mục tiêu đặt ra của IPC trong năm 2016 là thứ nhất phải tập trung hoàn thiện về pháp lý dành cho chủ đầu tư dự án; thứ 2 là tập trung về tài chính giải quyết công tác tổ chức đền bù với người dân; thứ 3 sớm hoàn thiện hồ sơ thiết kế quy hoạch tổng thể. Cuối cùng là chọn ra được những doanh nghiệp, đơn vị uy tín có khả năng và kinh nghiệm để cùng đồng hành, sớm tạo nên những thành công mới trên khu vực phía Nam TP.HCM.
Nguyễn Ngân - Phạm Tuấn