Doanh nghiệp Việt “bán mình”: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngoại

Các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài giàu tiềm lực đang đẩy mạnh hoạt động  thâu tóm doanh nghiệp Việt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do giải thích cho việc chủ sở hữu Việt quyết định bán công ty của chính mình sáng lập, chẳng hạn để tìm kiếm nguồn vốn thực hiện các chiến lược kinh doanh mới.

[caption id="attachment_8736" align="aligncenter" width="700"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Người chủ sở hữu khi đồng ý bán công ty của họ thường là do họ đã cảm thấy mệt mỏi vì phải điều hành hoạt động kinh doanh và đang cố gắng tìm đường rút lui. Nếu người chủ sở hữu muốn thanh lý 100% cổ phần của mình hoặc vốn đầu tư của mình, các nhà đầu tư mua lại thường sẽ đưa ra một mức giá mua lại thấp hơn. Nguyên nhân của việc này là do sẽ có khá nhiều khó khăn phát sinh ​​từ hoạt động kinh doanh sau khi chuyển giao.

Doanh nghiệp Việt bán mình

Nói tới trường hợp doanh nghiệp “bán mình” đáng chú ý nhất trong mấy năm trước phải nói tới Phở 24. Năm 2003, TS Lý Quí Trung đã mở tiệm Phở 24 đầu tiên với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Thế nhưng, vào năm 2012, dư luận bất ngờ với thông tin 100% cổ phần Phở 24 đã được bán cho Highlands Coffee và thương vụ này được đồn đoán có giá trị lên tới 20 triệu USD. Sau đó lại có tin đồn cho rằng Highlands Coffee bán 50% cổ phần Phở 24 cho Jollibee (Philippines). Mặc dù, TS Lý Quí Trung chưa từng lên tiếng về thương M&A gây ồn ào này, nhưng nhìn từ ngoài vào, hầu hết mọi người đều có cùng chung quan điểm, Phở 24 tự "bán mình" cho đối tác chứ không phải bị đối tác ngoại dùng chiêu thâu tóm.

Một sự kiện "bán mình" của doanh nghiệp được nhắc tới nhiều nữa chính là Diana. Công ty Cổ phần Diana đã hoàn tất việc bán lại 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật. 128 triệu USD là mức giá được giới truyền thông trong nước phát đi, nhưng con số được The Asset, tạp chí tài chính hàng đầu châu Á, nhắc đến khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, trong đó có Diana của Việt Nam, lại là 184 triệu USD.

Tương tự, trong tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) cũng đã hoàn thành chuyển giao 80% mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu USD. KDC cũng đồng thời đổi tên công ty thành Công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation).Như vậy, sắp tới đây thương hiệu Kinh Đô sẽ không còn thuộc doanh nghiệp trong nước quản lý và mảng bánh kẹo của thương hiệu này sẽ về tay nhà đầu tư nước ngoài là Mondelēz International.

Theo ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc KDC, thương vụ bán 80% cổ  phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International của công ty đã hoàn tất thủ tục giữa hai bên và hiện chỉ chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện những sản phẩm mì ăn liền, dầu ăn, bột nêm của KDC được lấy thương hiệu là Đại Gia Đình. Theo nguồn tin khác, 20% cổ phần còn lại của mảng bánh kẹo Kinh Đô sẽ được thương thảo để Mondelēz International sở hữu sớm nhất 12 tháng sau khi thương vụ đầu hoàn tất.

Sau thương vụ Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International, thị trường tuần qua chứng kiến doanh nghiệp sữa phía Bắc là Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP) bán 70% cổ phần cho VinaCapital và Daiwa (Nhật Bản).Trên thị trường còn nhiều cuộc đàm phán giữa doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư nước ngoài khác đang diễn ra. Tất cả đều có một điểm chung: phía nước ngoài sẽ mua cổ phần với tỷ lệ chi phối.

Tại sao lại bán mình?

Không ít người đã lên tiếng chê trách các doanh nghiệp chủ động "bán mình". Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, doanh nghiệp không phải không có lý khi "bán mình” đúng thời điểm.

Với trường hợp của Kinh Đô, thương hiệu bánh kẹo được họ xây dựng trong suốt 20 năm, trở thành một tên tuổi lớn, đem lại sự nổi tiếng, thành công cũng như tiền bạc cho gia đình ông Trần Kim Thành. Dù ban lãnh đạo Kinh Đô đưa ra nhiều lý do để giải thích cho quyết định này nhưng “được giá” có lẽ là lý do thị trường dễ nhìn thấy nhất vì sao Kinh Đô lại chia tay với mảng bánh kẹo.

Tổng giám đốc một quỹ nước ngoài đang đầu tư lớn tại Việt Nam nhận xét rằng, có thể coi động thái của Kinh Đô như một chiêu lách quy định về giới hạn room 49% đối với các doanh nghiệp đang niêm yết. Mảng bánh kẹo là hoạt động lõi của Kinh Đô, không thể bán tỷ lệ lớn công ty mẹ cho nước ngoài, doanh nghiệp đã chọn cách đi vòng: đó là bán lượng cổ phần lớn ở công ty con, đơn vị nắm ngành hoạt động chính.

Trong vài năm gần đây, khá nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bán cổ phần chi phối cho doanh nghiệp nước ngoài. Những thương vụ đình đám nhất có thể kể đến như Marico mua ICP – công ty sản xuất dầu gội X-Men, Unicharm mua Diana, SCG mua Prime Group…Các thương vụ này đều được trả giá rất cao, lên đến hàng trăm triệu USD, gấp vài chục lần lợi nhuận của doanh nghiệp tại thời điểm giao dịch.

Tuy nhiên trong hầu hết các thương vụ trên, các doanh nghiệp được mua lại đều đã có sự đột phá về kết quả kinh doanh. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã có sự tính toán rất kỹ khi trả giá.Tại thời điểm thương vụ tiến hành, mức giá có thể “đắt” nhưng chỉ ít năm sau, những ông chủ cũ của công ty dường như đã bán đi với giá “rẻ”. Minh chứng rõ nhất cho thương vụ này là việc tập đoàn Doji của ông Đỗ Minh Phú đã bán 95% cổ phần của Diana cho tập đoàn hàng tiêu dùng Unicharm của Nhật Bản vào cuối năm 2011…

Những sự kiện trên, cùng với nhiều thương vụ lớn có sự xuất hiện của  các đại gia Thái Lan, Indonesia… trước đây cho thấy, bằng con đường M&A, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thâu tóm doanh nghiệp Việt, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam dễ dàng. Thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý, tâm lý… vẫn là những rào cản khiến nhiều doanh nhân Việt khó có thể dấn thân và cống hiến để tạo ra những “đế chế” thực sự của người Việt.

Lê Thuận

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video