Doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong tình hình mới

Tinh thần và sức bền của doanh nghiệp Việt Nam trong đại dịch có thể bị ảnh hưởng nhưng chưa hề suy giảm. Cùng với những chính sách hỗ trợ Chính phủ ban hành, cộng đồng doanh nghiệp đã có những biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để tái sản xuất, sớm trở lại đúng quỹ đạo phát triển.

Tín hiệu khởi sắc 

Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đang tạo sức sống mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khắp cả nước. Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 phục hồi mạnh mẽ sau thời gian ngưng sản xuất để phòng, chống dịch Covid-19, nay tái sản xuất trở lại. Các doanh nghiệp tăng tốc để kịp tiến độ giao hàng vào những tháng cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu và mua sắm dịp lễ Tết tăng cao. 

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó, điển hình như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 11 của Quảng Ninh tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất và kinh doanh của cả nước. 

Mặt khác, các địa phương đã ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường... 

Kinh tế Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2021 có một số điểm sáng như: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2021 tăng khá so với tháng trước, bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại. 

Linh hoạt khôi phục sản xuất 

Dù dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát nhưng để tăng tính chủ động phòng dịch, các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ nghiêm quy tắc, thường xuyên tiến hành xét nghiệm y tế. Một số còn đề nghị xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nội bộ doanh nghiệp (không phục vụ mục đích thương mại) dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền để giảm chi phí. 

Đối với bài toán nguyên liệu, các doanh nghiệp trong nước cố gắng xây dựng chiến lược nội địa hóa nguyên liệu với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo lợi thế chủ động. Bởi thời gian qua giá nguyên liệu tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2020, giao hàng chậm, chuỗi logistics đứt gãy kéo theo chi phí vận chuyển tăng cao… tạo ra rào cản cho mục tiêu phục hồi sản xuất. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành nhựa nhập khẩu 5,33 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu với trị giá 8,86 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Với nguyên - phụ liệu ngành dệt, may, da, giày, kim ngạch nhập khẩu là 19,6 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự phụ thuộc này tạo ra những áp lực lớn, vì thế quyết định thay đổi để phát triển vào thời điểm này là điều cần làm. 

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, đã đến lúc cần có sự kết nối cung ứng khép kín thị trường trong nước, giúp loại bỏ nguy cơ thiếu hoặc phải mua nguyên liệu nhập với giá cao, rút ngắn thời gian vận chuyển; đặc biệt, giảm rủi ro gián đoạn sản xuất do sự đứt gãy logistics toàn cầu hiện nay. Ở góc độ khác, cơ quan chức năng liên quan cần tính đến yếu tố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành sản xuất nguyên liệu, nhất là nguyên liệu phục vụ cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đồng thời khống chế nguyên liệu xuất khẩu, duy trì sản xuất bền vững. 

Kết nối từ chính quyền tới doanh nghiệp 

Để phát triển sản xuất công nghiệp tháng cuối năm, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đồng thời triển khai các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất. 

Bộ Công thương tăng cường bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng. Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm. 

Tuy nhiên, những gì cộng đồng doanh nghiệp không chỉ có vậy. Bởi doanh nghiệp chỉ đang ở bước đầu trong quá trình phục hồi. Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh bao phủ tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường cho công nhân đã tiêm đủ hai mũi; tiếp tục hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, thiết thực hơn cho doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xuất khẩu; cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp... 

Thực tế cho thấy nhiều đơn vị đang cố gắng “lấy ngắn nuôi dài”, hoạt động cầm chừng trước những gánh nặng về chi phí. Nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn về tài chính, nguồn vốn tích lũy hầu như đã cạn kiệt. Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tín dụng mới với lãi suất ưu đãi từ phía ngân hàng để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới. 

Theo ông Mạc Quốc Anh-  Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (Hanoisme), mức vay phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa dao động 6 - 8%/năm. Để phục hồi sản xuất, hiện các doanh nghiệp đều mong mỏi chờ đợi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn hiện tại 3 - 4%. 

Được vay với mức lãi suất rẻ để phục hồi hoạt động, doanh nghiệp không chỉ được tiếp thêm nhựa sống mà còn cả niềm tin để từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp và có tính khả thi cao.

Kim Trang

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video