Địa phương e ngại không dám làm, tiến độ giải ngân đầu tư công bị ảnh hưởng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm lý hiện nay của các địa phương rất e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... nên giải ngân đầu tư công chậm hơn so với yêu cầu. Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung.
Địa phương e ngại không dám làm, tiến độ giải ngân đầu tư công bị ảnh hưởng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Chiều 9.8, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về giải ngân vốn đầu tư công, sau 7 tháng đạt 34,47%, thấp hơn so với các kỳ của năm 2021 khoảng 2%. Ông Dũng cho hay, đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, từ 7-8 năm nay vẫn ở mức này, dao động từ 35-40%.

Ông Dũng cho rằng, đây là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất gần như là năm đầu. Bởi tháng 7.2021, Quốc hội mới thông qua vấn đề này.

Một vấn đề nữa được ông Dũng nêu ra là tổng số vốn đầu tư của năm nay so với cả năm 2021 tăng gần gấp 2 lần, khối lượng lớn hơn.

Tiếp đó, tâm lý hiện nay của các địa phương rất e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... nên chậm hơn so với yêu cầu. Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, vừa qua, Thủ tướng rất quyết liệt, đã thành lập 6 đoàn công tác, làm việc với các địa phương có tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp. Từ đó nắm tình hình, đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn.

Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm. Đồng thời, các địa phương đã cam kết giải ngân hết số vốn đề ra. Tuy nhiên, bộ nhận định, năm nay có thể đạt được 92% tỉ lệ giải ngân đầu tư công.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 114 dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, bao gồm 109 dự án thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP.

Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với tổng số vốn là 4.104,674 tỉ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ (trong đó, 6 dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã báo cáo Quốc hội và 10 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội).

Điều chỉnh giảm số vốn 3.158,976 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và 54,97 tỉ đồng vốn đối ứng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chỉnh tăng tương ứng cho 2 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT)…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương Chính phủ tiếp tục giao vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ theo đề nghị của Chính phủ. Điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án trong nội bộ Bộ GTVT và 3 địa phương để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Thống nhất việc giao vốn kế hoạch cho 3 dự án quan trọng quốc gia 78.307,587 tỉ đồng. (Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ GTVT 31.396 tỉ đồng để giao về các địa phương: Hà Nội, TPHCM và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An).

Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để phân bổ số vốn còn lại (355.483,485 tỉ đồng) trước ngày 31.12.2022. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại chưa phân bổ phải chuyển vào dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Lao Động

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video