ĐHĐCĐ RAL: Cổ đông công đoàn vẫn "nhắm" mua lượng lớn cổ phiếu?
Năm thứ hai liên tiếp công đoàn Rạng Đông đề xuất không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cổ phần. Tổ chức đã từng lên kế hoạch mua lại cổ phần của SCIC mà không cần chào mua công khai nhưng đã không thành công trong năm 2015.
Chiều ngày 7/5/2016, CTCP Bóng Đèn Phích Nước Rạng Đông (mã RAL-HoSE) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 với sự tham gia của các cổ đông, người được ủy quyền đại diện cho hơn 82% cổ phần có quyền biểu quyết.
Mua hụt cổ phần của SCIC, công đoàn RAL vẫn “nuôi mộng”?
Một trong các tờ trình được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 trình và đã được ĐHĐCĐ thông qua là việc cho phép tổ chức công đoàn (hoặc đại diện) không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cổ phiếu của Công ty, trong trường hợp cổ đông lớn thoái vốn và mua các cổ phiếu lẻ trên thị trường.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tổ chức này cũng đã được cho phép mua cổ phần SCIC thoái vốn hay khi các cổ đông lớn thoái vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tuy nhiên, công đoàn Rạng Đông đã không thực hiện được giao dịch nào. Đã có hơn 24,4% vốn điều lệ của Rạng Đông về tay bà Lê Thị Kim Yến và người liên quan trong năm trước. Thành viên HĐQT này không xuất hiện trên băng ghế Đoàn chủ tịch Đại hội năm nay.
Hiện nay, công đoàn Rạng Đông đang nắm giữ nắm giữ 39,38% vốn. Theo quy định, nếu tổ chức này mua tiếp từ 10% trở lên cổ phần của Rạng Đông thì sẽ cần thực hiện chào mua công khai. Đề xuất không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai, rất có thể Công đoàn doanh nghiệp này tiếp tục mong muốn nhận về một lượng lớn cổ phần.
Cũng phải nói thêm rằng, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ về thăm công ty (28/4/2016), lãnh đạo doanh nghiệp này đã tiết lộ tổng số cổ phần mà tập thể CNLĐ Rạng Đông nắm giữ đã lên tới trên 50% cổ phần.
Thành viên HĐQT của Rạng Đông hiện thời
Áp lực hội nhập, sản phẩm hết vòng đời..., RAL đặt kế hoạch thận trọng
Kết quả kinh doanh năm 2015 của RAL dù chỉ tăng trưởng nhẹ về doanh thu nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 43% và đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu tiêu thụ đạt 2.659 tỷ đồng, vượt 4%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế vượt 57,7% so với kế hoạch đề ra, đạt 126,2 tỷ đồng. Cổ tức năm 2015 cán đích kế hoạch (35%). Tuy nhiêu, sau một năm lợi nhuận tăng vọt lên hơn một trăm tỷ đồng, kế hoạch năm 2016 mà Rạng Đông đưa ra lại có phần thận trọng.
Trong quý I, Rạng Đông thu về 813 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp lại giảm hơn 10%. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý, lãi vay giảm khiến lãi trước thuế vẫn tăng trưởng 39%, đạt 36,7 tỷ đồng. Nhiều cổ đông tại Đại hội đã đặt ra câu hỏi với Ban lãnh đạo công ty về việc suy giảm tỷ suất biên lợi nhuận gộp từ 18% xuống còn 15,7%.
Cả năm 2016, RAL phấn đấu đạt 2.446 tỷ đồng doanh thu, giảm 8%. Còn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 29%, đạt 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ tức năm 2016 phấn đấu sẽ tăng lên 40%, dự kiến sẽ chi trả 20% vào tháng 9/2016 và 20% còn lại vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho biết sẽ phấn đấu cao hơn. Kế hoạch được đưa ra bởi bối cảnh chưa đoán biết trước được.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cũng thừa nhận, “Nhìn tổng thể, một doanh nghiệp không mở rộng được thị phần là bế tắc nhưng RAL đang trong quá trình chuyển mình nên doanh nghiệp không chạy theo doanh thu”. Nói về công cuộc mở cửa hội nhập của Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng chỉ ra doanh nghiệp tại Việt Nam có thay đổi thì sẽ tận dụng được cơ hội. Nhưng không phải dễ dàng để các doanh nghiệp Việt tiếp cận được với các thị trường bên ngoài. Trong khi đó, trên sân nhà, vốn FDI cùng với đó là các Tập đoàn lớn nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Ông Thăng nhận định cuộc cạnh tranh không hề cân sức khi doanh nghiệp đều yếu hơn về khoa học kỹ thuật, vốn, quản trị,… so với Tập đoàn lớn.
Thị trường xuất khẩu của Rạng Đông hiện mới chỉ có ở 3 nước G7 nhưng chỉ với doanh thu vài nghìn đô, 6 nước G20, Nhật, Úc, Hàn Quốc,… Năm 2015, thị trường xuất khẩu của RAL cũng đã bị ảnh hưởng nhiều đặc biệt như thị trường Brazin hỗn loạn về chính trị, thị trường Ai cập kiểm soát chặt chẽ,…
Cùng với áp lực về cạnh tranh, những khó khăn của thị trường xuất khẩu, một cái khó nữa của Rạng Đông được lãnh đạo doanh nghiệp này nêu ra là mối nguy từ vòng đời sản phẩm. “Tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm giảm từ 13% năm 2014 xuống còn 4%. Bốn tháng đầu năm 2016, tăng trưởng doanh thu chỉ 1,8%.”, ông Thăng cho biết. Doanh thu vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Sản phẩm chủ lực như compact, huỳnh quang đều giảm so với cùng kỳ. Chỉ riêng sản phẩm LED tăng trưởng mạnh 246%, nhưng chỉ thuần lớn về con số tương đối bởi đây là sản phẩm mới được đưa vào sản xuất 2 năm trở lại đây.
[caption id="attachment_19823" align="aligncenter" width="622"]
Cạnh tranh cao ở sản phẩm LED
Chia sẻ về chiến lược của Rạng Đông đối với mặt hàng LED, ông Thăng cho biết tăng trưởng doanh thu của sản phẩm đèn LED sẽ vẫn chưa thể bù đắp ngay xu hướng sụt giảm rõ rệt của các mặt hàng truyền thống. RAL đặt mục tiêu phấn đấu từ 3 đến 5 năm tới, doanh thu từ bóng đèn LED sẽ chiếm 50% tổng doanh thu và thay thế dần các mảng còn lại. Theo chia sẻ của lãnh đạo RAL, cạnh tranh ở mảng thị trường bóng đèn LED lớn hơn rất nhiều so với các mảng kinh doanh truyền thống trước đây của Rạng Đông.
Trong khi tại các lĩnh vực compact, huỳnh quang, số lượng các công ty sản xuất được sản phẩm này chỉ khoảng 10 công ty do các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, với điều kiện gia nhập ngành dễ dàng hơn, theo ước tính của RAL, số lượng các công ty kinh doanh sảu xuất đèn LED lên tới 120 công ty. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu các bộ phận từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp trong khi Rạng Đông thực hiện thiết kế, nghiên cứu, sản xuất. Nói thêm về thị trường đèn LED, ông Thăng cũng cho biết Trung Quốc đang sản xuất 70% sản phẩm LED trên thế giới, mỗi công ty chỉ làm nguyên một loại linh kiện khiến giá thành đèn LED từ Trung Quốc ở mức thấp.
Đối với mặt hàng này, bài toán quản lý hàng tồn kho cũng không đơn giản. Thông thường, khoảng 6 tháng lại có sản phẩm đèn LED mới. Trong khi đó, để có thể nhập đầu vào giá rẻ thì công ty phải đặt mua nguyên liệu khối lượng lớn. Trong khi đó, khách hàng đặt hàng với khối lượng cũng cần có thời gian chuẩn bị. Khi đến hạn, có thể khách hàng lại gặp khó khăn.
Khi được hỏi về những sự khác biệt giữa RAL và Điện Quang, ông Thăng cho rằng không nên đặt phép so sánh. Như vòng quay vốn lưu động, một doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sẽ rất khác với một công ty thương mại. Về kênh phân phối, RAL đã có sự thay đổi đáng kể trong năm 2015. Chi phí bán hàng giảm do cơ chế khoán mới của phòng thị trường. Đồng thời, RAL đã đóng cửa các văn phòng đại diện tại miền Bắc thay vào đó phòng thị trường tái cấu trúc theo các kênh phân phối: kênh truyền thống, kênh công trình dự án, kênh siêu thị, kênh OEM và kênh chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, RAL đã mua xong trụ sở 6 chi nhánh tại miền Trung và miền Nam.
Giải thích về việc xóa bỏ các văn phòng đại diện tại miền Bắc, lãnh đạo RAL cho biết hhông phải nhiều cửa hàng là bán được. Công ty đã gây dựng mạng lưới phân phối nên việc bỏ đi các VPĐD sẽ không ảnh hưởng. RAL cũng hướng đến đối tượng công nghệ cao, các dự án thay vì các đơn vị bán lẻ. Những đối tượng này sẽ giúp RAL có trình độ để tạo tiền đề xuất khẩu cho G7, G20.
Mạnh tay chi 193 tỷ đồng đầu tư năm 2016
Rạng Đông dự kiến sẽ đầu tư lò thủy tinh không chì thay vì đại tu lò cũ (40 tỷ), lo thù tinh phích (40 tỷ), xưởng điện tử đèn & LED (73 tỷ), xử lý môi trường, hệ thống quản lý chất lượng,… Con số 193 tỷ đồng đầu tư cho thiết bị công nghệ lớn hơn nhiều so với thực hiện năm 2014 và 2015 lần lượt là 86,3 tỷ và 41,5 tỷ đồng.
Rạng Đông đã sớm đầu tư vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chiếu sáng. Trung tâm được thành lập từ tháng 3/2011 và là tổ chức nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực chiếu sáng. Ngoài cơ sở sản xuất tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, Rạng Đông hiện có cơ sở 2 ở Quế Võ, Bắc Nig với diện tích 8,2 ha. Năm 2015, Rạng Đông đã mua thêm 20.000 m2 quyền sử dụng đất để mở rộng cơ sở này.
[caption id="attachment_19824" align="aligncenter" width="652"]
Theo NDH