DATC đã xử lý 2.000 tỷ đồng nợ xấu của VietinBank và Techcombank
DATC đã xử lý thành công 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đây là hai khoản nợ của các công ty có vốn cổ phần chi phối của Nhà nước đang trong thời gian cơ cấu.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa công bố thông tin đã xử lý thành công 2.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, DATC cùng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã phối hợp xử lý thành công khoản nợ trên 1.700 tỷ đồng được DATC mua lại vào cuối tháng 11 vừa qua. Đây là khoản nợ đọng hình thành từ nhiều năm với khách nợ là một công ty 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực vận tải đang trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu để cổ phần hóa.
VietinBank và doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp khác nhau để giải quyết khoản nợ này song vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Sau khi hợp tác cùng với DATC, khoản nợ đọng đã được xử lý theo cơ chế thị trường. Một mặt giúp VietinBank loại bỏ khoản nợ xấu nhằm thu hồi vốn tái cho vay nền kinh tế; mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính và phục hồi hoạt động kinh doanh, thúc đẩy cổ phần hóa theo lộ trình mà Chính phủ đặt ra.
Trước đó, vào ngày 7/12/2017 DATC cũng đã phối hợp thành công với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để xử lý khoản nợ xấu trên 200 tỷ đồng tại một công ty cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước.
Được biết, vào năm 2015, theo đề án được Chính phủ phê duyệt, DATC đã phát hành các trái phiếu và hối phiếu nhận nợ để hoán đổi khoản nợ gốc 600 triệu USD của SBIC. Một phần khoản nợ này đã được DATC mua lại và hủy bỏ gần đây.
Cũng liên quan tới việc xử lý nợ xấu, trả lời chất vấn Quốc hội hồi tháng 11 vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống song song với việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa mức nợ xấu về dưới 3% một cách bền vững theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
“NHNN đã chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, làm cơ sở nhân rộng các tổ chức tín dụng còn lại” - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.