Đà Nẵng sẽ thành lập khu thương mại tự do TPP
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết đang xem xét và ủng hộ ý kiến sẽ thành lập một khu thương mại tự do đón đầu cơ hội hàng hóa TPP trên địa bàn, có sự giám sát của hải quan Việt Nam và khu vực.
[caption id="attachment_8374" align="aligncenter" width="700"]
Ý kiến này được Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam đề xuất, tại hội thảo chuyên đề bàn về tác động của TPP đến doanh nghiệp địa phương vừa diễn ra cuối tuần qua ở Đà Nẵng.
“Đà Nẵng – Việt Nam cần tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động xuất nhập khẩu, hải quan, hành chính... để nắm chắc các cơ hội với TPP. Đơn giản hóa các thủ tục hiện nay, đẩy mạnh hơn nữa cơ hội kết nối hàng hóa bên ngoài thông qua những khu vực thương mại tự do, có sự giám sát của hải quan khu vực, là những điều nên làm”, ông Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Việt Nam nhận xét như vậy.
Trên tinh thần này, ông Herb Cochran kiến nghị Đà Nẵng sớm đạt thỏa thuận thành lập một khu thương mại tự do để mở rộng quan hệ với hải quan khu vực, tăng cường tiếp cận hàng hóa thế giới theo hướng song phương hơn nữa, tránh được những bất cập trong tâm lý tiêu dùng và hội nhập thị trường giữa nội địa với bên ngoài.
[caption id="attachment_8375" align="aligncenter" width="700"]
Ông Herb Cochran nhìn nhận, hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, trực tiếp là tăng kim ngạch xuất khẩu các ngành sản xuất (đến 70%), hàng tiêu dùng và nguyên liệu (khoảng 27%), tăng thu hút vốn FDI, tăng khả năng kết nối các chuỗi dịch vụ cung ứng toàn cầu... Tuy nhiên, về cơ bản, Việt Nam cần cảnh báo những nguy cơ lớn sẽ đến từ TPP, hơn là chỉ lạc quan về những cơ hội phát triển. Ba yếu tố chính sẽ tác động lớn đến Việt Nam từ TPP, chính là năng suất lao động, hội nhập hàng hóa thị trường và bản quyền trí tuệ, đều đang là những khúc mắc lớn mà trong một thời gian ngắn, Việt Nam chưa thể giải quyết được.
Theo số liệu của VCCI, hiện tại có đến 90% hàng xuất khẩu trong nước, là dạng trung gian cho các đối tác nước ngoài, trong đó 70% là hàng xuất của các doanh nghiệp đầu tư FDI. Điều này cho thấy năng lực sản xuất, lao động của doanh nghiệp trong nước còn hết sức hạn chế. Trước yêu cầu cần tăng trưởng mạnh sản lượng hàng hóa xuất khẩu mà hiệp định TPP sẽ mang lại, năng suất lao động tại Việt Nam cần được cải thiện tăng trưởng ở mức tối đa nhất. Tâm lý tiêu dùng chênh lệch giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu trong xã hội, nhất là tâm lý “sính ngoại” vẫn tồn tại phổ biến, sẽ càng gây thêm áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất nội địa. Do đó, điều chỉnh tốt thực trạng này theo một lộ trình khoa học, dần dần cân bằng tâm lý tiêu dùng xã hội và kích thích năng suất lao động bản địa, là cách thức tích cực nhất để thích ứng tình hình.
Do đó, việc kiến lập một khu thương mại tự do, nơi tập trung và luân chuyển hàng hóa 2 chiều một cách tương hợp, kết nối được với người tiêu dùng, sẽ là động thái cần thiết để Đà Nẵng tìm kiếm thêm những cơ hội thu hút đầu tư, sản xuất nguồn hàng xuất khẩu và định vị được giá trị, năng lực lao động địa phương.
AmCham Việt Nam nhìn nhận, kiến nghị về các khu thương mại tự do này sẽ được đề xuất mạnh hơn trong thời gian tới, tại các tỉnh thành có điều kiện ở Việt Nam. Hiện tại, khu vực miền Trung, mà tâm điểm là Đà Nẵng, thật ra lại đang hội tụ được nhiều điều kiện tốt cho ý kiến này. Nhất là đa số các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng đang cần có những “chất xúc tác” mới để mạnh dạn chuyển biến đầu tư và phát triển.
Nguyên Đức