Công ty của bà Đặng Thị Hoàng Yến đặt mục tiêu lãi ròng gấp 45 lần

Tân Tạo ước tính năm nay có thể lãi ròng 363 tỷ đồng nhờ giảm chi phí tài chính và tăng nguồn thu cho thuê bất động sản công nghiệp. 

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) công bố, tổng doanh thu năm 2018 dự báo tăng gấp đôi năm trước lên xấp xỉ 1.276 tỷ đồng. Nguồn thu cho thuê đất và nhà xưởng chiếm tỷ trọng áp đảo trên 93%. Phần còn lại đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ và tài chính.

Ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết đang tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, đặc biệt là nợ ngân hàng và tổ chức tín dụng để giảm chi phí tài chính. Đây là một trong những yếu tố quyết định khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế 363 tỷ đồng, tăng hơn 45 lần so với thực hiện năm trước.

Bên cạnh đó, công ty cũng tìm kiếm các quỹ đầu tư nước ngoài có năng lực hợp tác triển khai hoặc thoái vốn tại một số dự án như Xi măng Tân Tạo, khu đô thị Tân Tạo… nhằm tập trung vốn trả nợ và đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực trọng điểm là cho thuê bất động sản khu công nghiệp.

Năm ngoái, Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 674 tỷ và 8 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu biến động mạnh khi hoạt động cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng từng chiếm tỷ trọng thấp nhất lại vươn lên dẫn dầu với gần 62%, tiếp đến là doanh thu cung cấp dịch vụ và cho thuê hoạt động nhà xưởng, kho bãi và đất. Sự thay đổi này cũng nằm ngoài dự đoán của ban lãnh đạo công ty.

Dù hai chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng kết quả này có thể xem là tín hiệu tích cực đánh dấu sự chuyển mình của Tân Tạo sau một năm nhiều biến động, nhất là ở nhóm nhân sự cao cấp.

Trước đó vào đầu tháng 7/2017, ban lãnh đạo công ty thông qua bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đặng Quang Hạnh thay cho ông Thái Văn Mến. Tuy nhiên tròn một tháng sau, Tân Tạo quyết định miễn nhiệm ông Hạnh theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bổ nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến thay thế và kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đến nay.

Theo Phương Đông Vnexpress

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video