Công bố luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu

Ông Võ Minh Tiến – Giám đốc cảng vụ Hàng hải Cần Thơ vừa cho biết: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã ký Quyết định số 58/QĐ-CHHVN về việc công bố luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Theo đó, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu có tổng chiều dài tuyến là 52,6 km, chiều rộng đáy luồng nhỏ nhất 85m, cao độ thiết kế -6,5m (hệ cao độ Hải đồ) đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu.

[caption id="attachment_49198" align="aligncenter" width="588"] Cảng Cái Cui của Vinalines đã có tàu trọng tải lớn cập bến[/caption]

Trong đó, đoạn luồng qua kênh Chánh Bố có chiều dài 20km được bố trí hai khu nước tránh tàu với chiều dài khu nước 600 m đang được gấp rút thi công để đảm bảo luồng lưu thông được hai chiều. Quyết định công bố luồng là cơ sở pháp lý quan trọng để các hãng tàu trong và ngoài nước được phép đi lại vận chuyển hàng hóa trên tuyến hàng hải này.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng giao cho Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ có trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực luồng hàng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và được thu các khoản phí theo quy định của pháp luật; Căn cứ vào Dự án đầu tư xây dựng và hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy định về an toàn hàng hải, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng và thông báo điều kiện khai thác luồng; Căn cứ điều kiện thực tế, giới hạn độ sâu luồng tàu để cấp phép cho tàu thuyền có thông số kỹ thuật phù hợp hàng hải trên luồng đảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Ban Quản lý dự án Hàng hải có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan và phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam để xây dựng và thống nhất điều kiện khai thác luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu nhằm đảm bảo an toàn hàng hải.

Các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước tại cảng biển, đơn vị quản lý vận hành luồng và hệ thống báo hiệu hàng hải trên luồng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong khu vực luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu theo quy định pháp luật.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3744/QĐ-BGTVT ngày 30/11/2007 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 9/8/2013. Chủ đầu tư của dự án là Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Hàng hải là đại diện chủ đầu tư.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến luồng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp chuẩn tắc luồng để vào các cảng trên sông Hậu; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 TEU/năm cho giai đoạn 2020.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2013-2015) thông luồng kỹ thuật với kinh phí khoảng hơn 7.555 tỷ đồng và giai đoạn 2 (2015-2017) hoàn thành các hạng mục còn lại, kinh phí khoảng 2.225 tỷ đồng.

Dự án công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Tây Nam Bộ, Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, phát huy tối đa hiệu quả các cảng ở Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…,

Theo thống kê, mỗi năm có hơn 16 triệu tấn hàng hóa của vùng ĐBSCL xuất khẩu bằng đường biển. Trước đây do cửa Định An thường xuyên bị bồi lắng, tàu trọng tải lớn không vào được nên chỉ 30% hàng hóa của khu vực đi thẳng đến các cảng bằng sà lan nhỏ, 70% còn lại phải trung chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu với chi phí đắt gấp đôi so với đường thủy.

Theo Huỳnh Khởi Enternews

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video