Cổ phiếu VVN khó hấp dẫn nhà đầu tư
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, với số lỗ lũy kế lên tới gần 800 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2016, nhưng Tổng Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vẫn quyết định lên sàn.

Theo đó, Vinaincon sẽ đăng ký giao dịch 55 triệu cổ phiếu, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.900 đồng/CP, trị giá 550 tỷ đồng.
Công ty này quyết định lên sàn trong bối cảnh thua lỗ kéo dài trong nhiều năm qua. Theo đó, Vinaincon đã lỗ ròng năm 2014 và 2015 lần lượt là 148 tỷ đồng và 346 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Vinaincon đạt gần 1.800 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ. Mặc dù tỷ trọng doanh thu thuần trên giá vốn đã giảm xuống mức 93,3% so với mức 95,4% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ này còn khá cao, khiến lợi nhuân gộp của doanh nghiệp này chưa được tối đa hóa.
Trong kỳ, chi phí lãi vay của Vinaincon đã giảm khoảng 100 tỷ so với kỳ trước, xuống còn 85 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm khoảng 20 tỷ đồng so với kỳ trước. Mặc dù vậy, nhưng Vinaincon vẫn bị lỗ ròng 47,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của Tổng công ty này đến 30/6/2017 đã lên tới 797 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2017, vốn chủ sở hữu của Vinaincon chỉ còn hơn 9,1 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 550 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty này đã giảm tới 540 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của Vinaincon lên tới con số khủng 6.339 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty này lên tới gần 700 lần- một mức quá khủng, cao hơn gấp khoảng 325 lần mức trung bình của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đáng lưu ý, các khoản phải thu của Vinaincon tính đến cuối tháng 6 năm nay đã lên tới gần 1.228 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty mới chỉ trích lập dự phòng được hơn 19 tỷ đồng. Trong khi đó hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng khá lớn, khoảng 933 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng số nợ xấu của đơn vị này đã lên tới gần 146 tỷ đồng.
Với tình hình tài chính không sáng sủa, lỗ lũy kế lớn, tồn kho nhiều, nợ phải trả khủng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm mạnh, thì cổ phiếu của Vinaincon khó hấp dẫn được nhà đầu tư.