Cỗ máy “người vận chuyển” Transimex - SaiGon đang vận hành ra sao?
Hoàn thiện chuỗi khép kín trong lĩnh vực logistics bằng những thương vụ đầu tư và M&A, cùng với sự sắc bén trong quản trị tài chính đã giúp TMS có một vị thế trong ngành logistics, vốn đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, đã có không ít doanh nghiệp trong ngành Logistics công bố kết quả kinh doanh 2015 sụt giảm so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã thừa nhận sức ép cạnh tranh gay gắt đã khiến hiệu quả hoạt động không được như kỳ vọng và phải đưa ra kế hoạch kinh doanh 2016 thận trọng hơn so với năm 2015.
TMS là số ít doanh nghiệp đặt ra kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng. Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, Transimex - Sai Gon (HOSE: TMS) đã đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 4% lên 507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng 25%, đạt 219 tỷ đồng. Năm ngoái, doanh nghiệp này đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu 489 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 13%, đạt 155 tỷ đồng.
Nhìn vào quy mô doanh thu của công ty mẹ TMS là không lớn, nhưng lợi nhuận mà công ty này thu về hàng năm là đáng kể. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TMS bình quân 24% trong 3 năm gần nhất. Tỷ suất lợi nhuận gộp của TMS cũng ở trên mức 20% trong nhiều năm liền, năm 2015 là 25%.
Theo ban lãnh đạo TMS, để có được mức lợi nhuận tăng trưởng cao như vậy, TMS có sự đóng góp rất lớn đến từ các mắt xích trong hệ thống của mình. Đó là các đối tác liên doanh – liên kết mà công ty này đã đầu tư.
Hệ thống chuyển động “trơn tru”
TMS hiện có 3 công ty liên kết, trong đó có CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An (HOSE:HAH) và Công ty cổ phần Vinafreight (HNX: VNF). Đây là những doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ vận chuyển nhiều năm qua.
Năm 2015, HAH có doanh thu 525 tỷ đồng và LNST 167 tỷ đồng. VNF có doanh thu 1.954 tỷ đồng, LNST 43 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty Nippon Express liên kết với đối tác Nhật với tỷ lệ 50 -50 cũng đang có hiệu quả hoạt động tích cực với 2.014 tỷ đồng doanh thu và 58 tỷ đồng LNST trong năm 2015.
Gần đây, TMS đang cho thấy sự điều chỉnh hoạt động đầu tư và thu xếp vốn của mình. HĐQT trình Cổ đông thông qua việc thoái vốn gần 5,7 triệu cp, tương đương 24.66% vốn điều lệ tại HAH do nhận thấy tiềm năng của HAH không lớn, khó mở rộng công suất trên vị trí hiện tại. TMS sẽ vẫn giữ lại 20% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Vận tải Container Hải An để phục vụ chuỗi cung ứng tại miền Bắc.
Ở chiều ngược lại, để thực hiện mục tiêu mở rộng chuỗi cung ứng, trong năm 2015, TMS đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 29.99% lên 37.29% tại VNF và đang có kế hoạch nâng sở hữu lên mức chi phối. VNF là doanh nghiệp đang có tốc độ gia tăng doanh số khá cao với tốc độ trung bình 27% trong vòng 3 năm qua kể từ khi TMS tham gia đối tác chiến lược.
Trong năm 2015 TMS cũng đã chuẩn bị nguồn tài chính khá dồi dào cho hoạt động đầu tư khi huy động được nguồn vốn vay dài hạn từ 129 tỷ đồng lên 395 tỷ đồng. TMS đã có nguồn tiền mặt khá dồi dào với lượng tiền tăng mạnh từ 172 tỷ đồng năm 2014 lên 235 tỷ đồng cuối năm 2015. Mới đây công ty cũng đã thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng số tiền huy động 280 tỷ đồng với lãi suất 7,7% năm đầu và thả nổi cho các năm tiếp theo.
Quan sát các chỉ số đòn bẩy tài chính của TMS cho thấy, doanh nghiệp này đã chọn nguồn tài trợ từ vốn vay, trong đó chủ yếu là vay dài hạn. Chính điều này giúp cho doanh nghiêp này đã giảm được sự tác động giảm lên chỉ số ROE. Chỉ số ROE của TMS khá cao với mức bình quân 18,5% trong 3 năm 2013-2015. Theo đó, EPS của doanh nghiệp này cũng có sự tăng trưởng ổn định qua hàng năm, năm 2016 đạt trên 6.500 đồng/cp.
Ở góc độ khác, trong nhiều năm qua, TMS cũng chưa từng có tín hiệu kẹt thanh khoản. Điều này phần nào cho thấy sự khéo léo trong việc sắp xếp nguồn vốn và quản lý dòng tiền công ty này. Dù có sự gia tăng tỷ trọng nợ vay trên tổng tài sản, nhưng các chỉ số thanh khoản của TMS luôn ở mức khá ổn định. Tỷ lệ thanh toán nhanh luôn cao hơn cao hơn 1. Năm 2015 là 2,15 lần.
Tương lai xán lạn…
Hiện tại, TMS được đánh giá là số ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực điều phối logistics có đầy đủ các dịch vụ như giao nhận, kho, ICD, trung tâm phân phối, đại lý hãng vận tải, vận tải đa phương thức... Theo hiệp hội VLA, TMS là một trong số ít các doanh nghiệp nội địa có khả năng cung cấp dịch vụ 3PL bên cạnh GMD. Tuy vậy, các kế hoạch đầu tư liên tục cho thấy tham vọng mở rộng thị phần trong những năm tiếp theo.
HĐQT TMS cho biết, trong năm 2015 TMS đã tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển dịch vụ logistics trên toàn quốc. Tháng 9/2015 đưa vào hoạt động trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng với diện tích 16.000 m2, TMS cũng đã quyết định đầu tư khu trung tâm công nghệ cao tại Q9, Tp.HCM, tổng vốn trên 500 tỷ đồng, tổng diện tích 100.000 m2 bao gồm hệ thống kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS, kho thường, kho lạnh và bãi chứa container có sức chứa 5.000 tấn. Dự án này dự kiến được đưa vào hoạt động tháng 04/2017, nâng tổng diện tích kho bãi của công ty lên 234.000 m2.
Cũng trong năm nay, TMS có kế hoạch góp vốn thành lập 2 đơn vị dịch vụ cảng và logistics có vị trí địa lý ở khu vực phía Nam của Tp.HCM. Chủ tịch TMS cho biết, việc mở rộng công suất cho Cảng Cát Lái là rất khó nên Thành phố sẽ có quy hoạch mở rộng hệ thống cảng và logistics xuống phía Nam. TMS góp vốn để thành lập CTCP Trung tâm phân phối Tân Thuận có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Trong đó, Cảng Sài Gòn và TMS góp 35%, tương đương 42 tỷ đồng, còn lại là VNF góp 30%. Ngoài ra, TMS sẽ thành lập một CTCP để thuê, khai thác cầu cảng và bãi container trên khu đất 36 hecta của Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước cùng với các đơn vị khác.
Không chỉ góp vốn vào các doanh nghiệp khác, những động thái gần đây cho thấy TMS đang có định hướng mở rông vào một số lĩnh vực khác bằng con đường M&A.
Đáng chú ý, đầu tháng 03/2016, TMS đã chính thức lên tiếng muốn bỏ ra khoảng 300 tỷ mua 35% vốn Cholimex để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex).
Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc TMS có hoàn tất được thương vụ này hay không nhưng với việc đại diện Cholimex cho biết, hiện chỉ có TMS nộp hồ sơ để mua cổ phần xem như khả năng rất lớn TMS sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Cholimex. Cũng theo đại diện Cholimex, nếu TMS trở thành cổ đông chiến lược của Cholimex thì sẽ hợp tác phát triển hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Lộc.
Nói về Cholimex, hiện doanh nghiệp này có 1 công ty con là và 8 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, may mặc, thủy sản và xây dựng. Một trong những công ty con của Cholimex là Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc có quỹ đất hạ tầng khu công nghiệp lớn, diện tích kho bãi lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Xâu chuỗi các hoạt động gần đây, với sự sắp xếp về mặt tài chính, có thể nhận thấy TMS vẫn đang tiếp tục rà soát lại hệ thống vận hành để tập trung vào khu vực tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Theo nhiều đánh giá, TMS là một trong số ít những doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam có định hướng phát triển đúng đắn và lịch sử phát triển vững chắc. Trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn, áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ thêm gay gắt. Nhưng với những gì “cỗ máy” này đã và đang hoạt động, cánh cửa để tiếp tục đi lên của “người vận chuyển” này vẫn đang rất lớn.
Theo NDH