Chuyện ở KSB - khi ông Võ Trường Thành không còn là ẩn số
KSB nhấn mạnh, việc rút tên khỏi HĐQT của ông Võ Trường Thành không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động kinh doanh của KSB.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán xuất hiện những thông tin đồn thổi về mối liên hệ giữa Công ty Khoáng sản Bình Dương (mã: KSB) và CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) dẫn đến cổ phiếu của KSB bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tượng giá cổ phiếu TTF bị bán mạnh khi các thông tin về những “khoản sai lệch” trong báo cáo tài chính của TTF được công bố cũng đồng thời kéo theo sự sụt giảm giá cổ phiếu KSB. Và trong thời gian khoảng 2 tuần qua, giá cổ phiếu TTF liên tục giảm sàn thì KSB cũng đã có nhiều phiên giảm sâu. Điều này được xuất phát từ những mối quan ngại về mối liên hệ giữa 2 KSB và TTF.
Tuy nhiên, trên thực tế, hai công ty không hề có mối liên hệ với nhau và những đồn đoán trên chỉ bắt nguồn từ một sự tình cờ.
KSB không còn liên quan với ông Võ Trường Thành
Theo KSB, quyết định bầu ông Võ Trường Thành giữ chức vụ chủ tịch HĐQT KSB hồi tháng 4/2016 khởi nguồn từ sự tình cờ và quen biết cá nhân của ông Thành với lãnh đạo KSB. Hơn thế, KSB cũng nhận thấy ông Thành là một doanh nhân có uy tín trên thương trường, có mối quan hệ lâu năm với địa phương và có thể giúp hoạt động của KSB tốt hơn sau khi cổ đông lớn SCIC thoái vốn.
Về phía ông Thành (Chủ tịch TTF), cũng đã từng bộc bạch tại ĐHCĐ thường niên của TTF được tổ chức vào giữa tháng 04 năm 2016 rằng việc mình giữ vị trí chủ tịch KSB là một sự tình cờ. “Giữa tôi và KSB có quen biết từ lâu trên cơ sở bạn bè. Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600.000 cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT. Hai công ty không có mâu thuẫn lợi ích nhau và tôi vẫn toàn tâm toàn ý cho công ty TTF.”, ông Thành nói.
KSB cũng cho biết, thực tế trong suốt quá trình giữ chức chủ tịch HĐQT của KSB, ông Võ Trường Thành chỉ nắm giữ 600.000 cổ phiếu rồi sau đó đã bán hoàn toàn số cổ phiếu này, đồng thời cũng không tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý điều hành nào của KSB kể từ khi được bầu vào HĐQT cho tới thời điểm từ nhiệm.
Vào ngày 20/07/2016, ông Võ Trường Thành đã có đơn từ nhiệm, không giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT KSB và đã được HĐQT chấp thuận. KSB hiện tại không có giao dịch liên quan nào với ông Võ Trường Thành cũng như tất cả các cá nhân hay tổ chức có liên quan đến ông Võ Trường Thành.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện KSB nhấn mạnh, việc rút tên khỏi HĐQT của ông Võ Trường Thành không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động kinh doanh của KSB.
Tiềm năng khai thác khoáng sản và mỏ
Điều này được thể hiện thông qua kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý II/2016. Trong 6 tháng đầu năm nay, KSB đạt doanh thu 405 tỷ đồng, tăng 11%, hoàn thành 50,3% kế hoạch năm và LNST đạt 90 tỷ đồng, tăng 39%, hoàn thành 62,4% KH năm.
Kết quả khả quan này phần lớn là do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng, đồng thời công ty đã tiết giảm chi phí giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 36% lên 41% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, KSB cũng được hưởng lợi khi thuế suất thuế TNDN giảm từ 22% xuống 20%.
Trong cơ cấu doanh thu của KSB, mảng khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ trọng chính, trong đó, doanh thu đá xây dựng (với 70% tổng sản lượng khai thác và tiêu thụ hàng năm đến từ mỏ đá Tân Đông Hiệp) chiếm hơn 90% doanh thu khoáng sản. Hiện nay, KSB đang sở hữu 7 mỏ khoáng sản khác nhau bao gồm 3 mỏ đá, 2 mỏ cao lanh, 1 mỏ sét và 1 mỏ cát. Với sản lượng tiêu thụ năm 2015 đạt hơn 3,7 triệu m3, KSB đang là doanh nghiệp hàng đầu về mảng đá xây dựng so với các công ty đang hoạt động trong cùng lĩnh vực đang niêm yết như C32, DHA, NNC.
Theo đánh giá của CTCK VCBS, nhu cầu đá gia tăng trong khi trữ lượng ở các mỏ đá ngày càng giảm. Đây có thể là động lực chính để KSB có thể tăng nhẹ giá bán đá trong thời gian tới. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của KSB kỳ vọng được duy trì hoặc cải thiện nhẹ.
Ngoài ra, thời hạn khai thác của các doanh nghiệp cùng ngành như C32 (mỏ Tân Đông Hiệp) và NNC (mỏ Núi Nhỏ) nếu xin được gia hạn cũng chỉ còn khoảng 1-2 năm. Dù các doanh nghiệp này đang gấp rút tìm kiếm các mỏ mới nhưng khả năng tìm được mỏ đá đáp ứng chất lượng và trữ lượng trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, thủ tục xin gia hạn thường khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Chính vì vậy, VCBS đánh giá KSB đang có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, thực tế KSB cũng đang gặp khó với vấn đề thời hạn khai thác mỏ. Mỏ đá chính của KSB là Tân Đông Hiệp sẽ hết hạn khai thác vào cuối năm 2017. Công ty cho biết, theo kế hoạch đầu năm 2017, KSB sẽ trình phương án tới các cấp thẩm quyền về việc cải tạo toàn bộ khu vực mỏ Tân Đông Hiệp. Nếu có phương án cải tạo kết hợp tận thu hợp lý, sản lượng đá tận thu của KSB tại Tân Đông Hiệp sẽ khá lớn. Thời gian để xin giấy phép gia hạn khai thác cũng như chi phí xin gia hạn cũng đang là một trở ngại đối với KSB.
Tuy nhiên, KSB cũng đã có sự chuẩn bị và dự kiến trong năm 2016 này sẽ được cấp phép khai thác mỏ Tam Lập và theo đó, cụm mỏ Phước Vĩnh, Tam Lập sẽ là các mỏ chủ lực trong tương lai của KSB.
KCN Đất Cuốc và bài toán tăng trưởng dài hạn
Ngoài lĩnh vực đá xây dựng, KSB cũng có nguồn thu từ KCN Đất Cuốc. Với diện tích lên đến 348ha, trong đó đất khai thác công nghiệp và dịch vụ lên đến 258 ha, KCN Đất Cuốc là niềm kỳ vọng tang trưởng của KSB xét về dài hạn.
Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của KCN này tương đối thấp so với các khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương do chưa được đầu tư đúng mức cho việc quảng bá..
KSB cho biết, hiện nay, việc đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông của Bắc Tân Uyên cùng với vị trí thuận lợi của Đất Cuốc (cách trung tâm Bắc Tân Uyên khoảng 10 km) đang tạo ra sức hút rất lớn đối với Đất Cuốc. Với giá thuê hiện nay từ 55 USD/m2, dự kiến tăng 60USD/m2 trong thời gian tới, cùng với diện tích tồn kho (diện tích chưa cho thuê) sẽ được lấp đầy trong năm 2016 – 2017 và sẽ là nguồn thu lớn, ổn định của KSB. Hiện KSB đang đẩy nhanh việc thương lượng, đền bù giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành mở rộng giai đoạn 2 trong năm 2016 - 2017.
CTCK Rồng Việt đánh giá, khả năng mở rộng kinh doanh ở KCN Đất Cuốc là lợi thế dài hạn của KSB. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn và thời gian hoàn vốn tương đối dài là những vấn đề doanh nghiệp cần cân nhắc.
Theo NDH