Chuyển đổi số, đầu tư công thúc đẩy kinh tế địa phương
![]() |
Cảng Cát Lái - cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam - góp phần giúp TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Minh Quân |
Cam kết tăng trưởng GDP ít nhất 8-10%
Lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng chung cho cả nước như mọi năm. Điều này thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay.
![]() |
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, tạo tiền đề để tăng trưởng hai con số những năm tới. Ảnh: Hải Nguyễn |
Có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM được giao tăng trưởng lần lượt 8% và 8,5%.
Sau khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng là 12%, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%. Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng 12,5%, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố rất quyết tâm vì cả nước nên phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025.
Nhận diện yếu tố then chốt, động lực phát triển mới
![]() |
Ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh, vai trò của TPHCM, Hà Nội hay Đà Nẵng rất quan trọng. Các địa phương này có tăng trưởng vượt bậc cũng là động lực lớn cho kinh tế chung của cả nước.
“Thúc đẩy mạnh đầu tư, gỡ các rào cản, đặc biệt là đầu tư công, đó sẽ là cơ sở để cho các đầu tàu kinh tế tăng trưởng” - ông Đinh Tuấn Minh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế này, những đầu tàu kinh tế cũng phải đối mặt với một số thách thức. Đây đều là các đô thị lớn nên các rào cản đầu tư như giải phóng mặt bằng; xung đột giữa các dự án, công trình… thường sẽ khá nhiều và cả vấn đề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
“Thế cho nên bây giờ thu hút được những nhà đầu tư chất lượng cao cũng là câu chuyện không dễ chút nào. Từ đó đòi hỏi cần có những cơ chế hấp dẫn được những nhà đầu tư mới” - ông Đinh Tuấn Minh cho hay.
![]() |
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Đông |
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) cho hay, cần phải có giải pháp rất cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, vì khu vực này chiếm tới 60% cơ cấu kinh tế.
Theo đại biểu, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt ở các thành phố lớn như: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số là rất quan trọng, cần có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng hai con số như Chính phủ giao, Hà Nội phấn đấu giải ngân khoảng 87.000 tỉ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Hà Nội xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt, là nguồn lực, động lực phát triển mới.
![]() |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ. Ảnh: Phạm Đông |
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) cho rằng, để các đầu tàu kinh tế như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì việc huy động tối đa nguồn lực tài chính trong nhân dân phải chú trọng đến tăng lãi suất ngân hàng, mua trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, Chính phủ phải linh động tìm các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vừa huy động nguồn tiền từ trong nhân dân nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đề xuất Hà Nội đẩy mạnh kinh tế đô thị, liên kết vùng, phát huy vai trò trong Tổ điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Thành phố cần thu hút đầu tư chọn lọc vào công nghệ cao, công nghiệp xanh, chip bán dẫn, AI, chuyển đổi năng lượng và công nghiệp hỗ trợ.
Với Quảng Ninh, khu kinh tế là một trong những động lực, bệ đỡ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh 14%. Trong khi đó, TPHCM cần huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.