Chuẩn bị đón “sóng” đầu tư trong năm mới 2022

Các nhà đầu tư ngoại vẫn kỳ vọng vào môi trường đầu tư của Việt Nam dù viễn cảnh dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp với chủng virus Omicron mới. Vì vậy, ngay từ lúc này, vẫn có nhiều giải pháp để cải thiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón làn sóng đầu tư trong điều kiện bình thường mới.

Sự kỳ vọng của doanh nghiệp FDI không giảm 

Trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ. 

Về địa phương thu hút đầu tư, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 82,4% tổng vốn đầu tư của Long An). TP.HCM đứng vị trí thứ hai với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh… 

Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (36%), số lượt dự án điều chỉnh (18,5%) và góp vốn mua cổ phần (59,6%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%) và số lượt và góp vốn mua cổ phần (12,5%). 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau gần 2 năm bị hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động đầu tư do dịch Covid-19 thì những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều các dự án đầu tư lớn được cấp phép. 

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - dự báo, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài khi việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, dòng vốn FDI trong năm 2022 còn được hỗ trợ tích cực bởi những cuộc gặp ngoại giao, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam thời gian qua. 

Trên thực tế, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ và Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; hay chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị hàng tỷ USD cũng đã được ký kết.

“Tuy nhiên để thu hút FDI, Việt Nam phải có các giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch. Đây là nền tảng tạo dựng lại môi trường đầu tư ổn định, an toàn và là điều kiện tiên quyết để duy trì, hấp dẫn, thu hút FDI tại Việt Nam”, ông Cung, nhận định. 

Chuẩn bị gì để đón “sóng” đầu tư?

Ông Nguyễn Quang Huy - Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công thông qua triển khai các dự án về hạ tầng, công nghiệp, đô thị, công nghệ là cách để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về trung và dài hạn, cần xây dựng các chính sách để phát triển DN trong nước, tạo nền tảng tiềm lực vững chắc để phát huy nội lực của nền kinh tế trong nước. Hướng đi này nhằm tạo sự chủ động và ứng phó tốt hơn những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới và các vấn đề bất ổn khác. 

“Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều lợi thế khi ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chuyển sang trạng thái bình thường mới, các FTA này cần được thúc đẩy triển khai để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, qua đó từng bước phục hồi nền kinh tế. Cần tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các doanh nhân, trí thức kiều bào và kiều bào về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Huy nói. 

Ngoài ra, theo ông Huy, các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình để có biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai, nguồn cung nhân lực, nguyên liệu, linh kiện. Cùng với đó là minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu, triển khai dự án… 

“Trong điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch, cần thay đổi cách xúc tiến đầu tư trực tiếp như trước kia bằng hình thức trực tuyến để hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiết kiệm chi phí”, ông Huy nói thêm. 

“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thành tựu về công nghệ số, robot thông minh, in 3D, dữ liệu lớn và internet vạn vật đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, trước tiên, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cả về số lượng và chất lượng”, ông Chiến nói. 

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ các nhà đầu tư trong đó có điện, nước, giao thông vận tải; đồng thời cũng cần đầu tư cho hạ tầng xã hội phục vụ số lượng nhân công lớn của các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giá thuê hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là đơn giản hóa trình tự, thủ tục gia nhập thị trường và thủ tục hải quan. 

Và cuối cùng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Theo đó, cần nghiên cứu để có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung cấp được một tỷ lệ nhất định linh kiện chi tiết cho các công ty FDI, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do…

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký thêm của khối doanh nghiệp FDI tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 8 tỷ USD. Cả nước có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 3,76%, đạt gần 14,1 tỷ USD. 

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.

Song Hảo

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video