Chỉ đạo nổi bật: Chậm đóng bảo hiểm xã hội phải nộp thêm tiền lãi
Trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
[caption id="attachment_9844" align="aligncenter" width="700"]
Chậm đóng bảo hiểm y tế, xã hội phải nộp lãi gấp đôi
Theo Quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này của của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ yêu cầu các tháng cuối năm 2015 các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn...
Trong đó, nhấn mạnh, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thanh khoản của nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng cuối năm
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chuẩn bị kế hoạch cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Triệt phá tụ điểm tập kết hàng nhập lậu
Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 389, lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển để phát hiện, ngăn chặn kịp thời vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tài liệu phản động và các loại hàng hóa cấm khác...
Trên tuyến biển, lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với các lực lượng Hải quan, bộ đội Biên phòng và các cấp chính quyền địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát vùng biển hai khu vực trọng điểm: Vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam.
Dành hơn 361 tỷ đồng xử lý ô nhiễm môi trường
Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 361,76 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2015 để hỗ trợ cho 27 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.
27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng.
Chỉ tuyển sinh đào tạo y, dược khi đủ điều kiện
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi đã đáp ứng đủ các điều kiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế tổ chức trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép mở ngành).
Theo Bizlive