Chỉ 60% hệ thống xử lý nước thải tại các KCN đạt tiêu chuẩn
Tại Diễn đàn Môi trường và phát triển bền vững năm 2017, Tổng cục Môi trường đã đưa ra con số đáng giật mình về tỉ lệ doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
[caption id="attachment_44541" align="aligncenter" width="700"]
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Chính phủ đang hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hướng tới người dân và cộng đồng DN. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế kinh doanh, đồng thời yêu cầu DN đáp ứng các nghĩa vụ, trong đó có bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Môi trường, hiện nay nước ta có 283 KCN chung, trong đó có 75% KCN có hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt chỉ có khoảng 60% các hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, còn lại là không đạt.
Cũng theo thống kê này, hiện chỉ có 5% nước thải làng nghề được xử lý, tương đương với việc một số lượng lớn nước thải vẫn còn xả trực tiếp tới môi trường. “Tính đến cuối năm hay, hệ thống các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung chưa đầy 20%, đây là một con số còn quá khiêm tốn”, ông Thức nhấn mạnh.
Qua công tác thanh tra kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện có 50% số DN mắc lỗi thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, chủ yếu liên quan đến các quy định pháp luật bảo vệ môi trường và gần 30% DN xả nước thải ra môi trường vượt mức cho phép. Điều này cho thấy các DN chưa quan tâm đến việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, cố tình xả thải trộm ra môi trường. Tại nhiều DN, mức đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý nước thải ra môi trường chưa đảm bảo, công nghệ còn lạc hậu.
Theo ông Thức, vấn đề bảo vệ môi trường trong từng DN còn nhiều gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Do đó, với mục tiêu Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hỗ trợ giúp sức cho DN phát triển, trong thời gian tới, các thể chế văn bản, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ được tiếp tục hoàn thiện.
Hiện nay, trong Nghị định 19, chương 7 có các điều kiện khi các DN được hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được hỗ trợ của nhà nước về đất đai, thuế phí…
Theo ông Thức, trong các thủ tục hành chính, việc rút kinh nghiệm qua việc ban hành thông tư chính sách có thể phù hợp với các DN và tạo điều kiện cho DN phát triển.
Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền vận động những năm tới đây, Tổng cục Môi trường xác định hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng DN thực hiện, nắm vững, hiểu rõ những văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện tốt.
Tới đây, Tổng cục Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường tại các địa phương sẽ có bộ phận chuyên trách pháp lý, các nhà chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp cho DN về các vướng mắc về pháp lý môi trường.
Theo Cẩm Anh DĐDN