Chất Nhật Bản cấm trong tương ớt Chin-su là phụ gia phổ biến

Nhật Bản chỉ định dùng axit benzoic trong nước tương, nhưng không cho dùng với tương ớt, dù thế giới cho phép.

Hôm 2/4, Cổng thông tin điện tử Osaka thông báo Trung tâm Y tế công cộng thành phố này thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt được cho là của Chin-su, loại đóng chai 250 gram do Masan Việt Nam sản xuất, với lý do vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm (FSA) và Luật Gắn nhãn thực phẩm. Các chai tương ớt được Javis Co., Ltd (Osaka) nhập khẩu vào Nhật Bản sớm nhất từ tháng 10/2018 và hết hạn sử dụng trong 2-3 tháng nữa.

Phía Nhật kết luận tương ớt thu hồi "có axit benzoic, chất chưa được chấp thuận dùng trong tương ớt ở Nhật Bản". Ngoài ra, phụ gia khác là axit sorbic, cả hai đều không được ghi trên nhãn phụ.

Dù vậy, đối chiếu với mức axit benzoic được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho phép, cơ quan y tế Nhật thấy nếu một người nặng 50 kg tiêu thụ 0,56 kg (khoảng 2 chai tương ớt) mỗi ngày và duy trì suốt đời thì axit benzoic không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Họ cho biết hàm lượng 0,45 gram axit benzoic trên mỗi kg tương ớt Chin-su không đủ gây tổn hại sức khỏe tức thì. Tóm lại, phía Nhật không nói tương ớt Chin-su có hại.

Nhưng về mặt pháp luật, điều 10 trong FSA quy định phụ gia thực phẩm không được dùng, trừ khi thuộc danh mục được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cấp phép, có tham khảo ý kiến Hội đồng Thương mại Dược phẩm và Vệ sinh Thực phẩm nước này. Axit benzoic kết hợp tương ớt không thuộc danh mục này.

Hình ảnh mặt trước chai tương ớt được city.osaka.lg.jp đăng tải khớp với hình ảnh tương ớt Chin-su bán trên các trang thương mại điện tử Việt Nam và của tập đoàn Masan. Mặt sau các chai Chin-su loại này ghi rõ: "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu" (Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorized) - dòng thứ 5 và 4 từ dưới lên. Nhưng tương ớt mà Nhật thu hồi, mặt sau đã bị nhãn phụ dán đè lên. Theo thông cáo phát đi sau sự việc, Masan khẳng định không xuất sang Nhật tương ớt Chin-su, cũng không bán cho công ty Javis kể cả trực tiếp và gián tiếp.

Tương ớt bị Nhật Bản thu hồi (bìa trái và thứ hai từ trái) và tương ớt Chin-su bày bán ở Việt Nam. Ảnh: city.osaka.lg.jp, Tiki.

Tương ớt bị Nhật Bản thu hồi (bìa trái và thứ hai từ trái) và tương ớt Chin-su bày bán ở Việt Nam. Ảnh: city.osaka.lg.jp, Tiki.

Nhật đã nhấn mạnh phạm vi sử dụng axit benzoic

Trong tài liệu Quy trình Phê chuẩn đối với Phụ gia Thực Phẩm của Nhật Bản trên trang của Đại sứ quán Nhật Bản tại EU, axit benzoic được lấy ngay ra làm dẫn chứng duy nhất cho Khung pháp lý áp dụng với phụ gia thực phẩm. Khung này chọn axit benzoic làm minh họa điển hình cho Chỉ định và Tiêu chuẩn mà một phụ gia cụ thể chịu ràng buộc.

Trong dẫn chứng này, Nhật nêu rõ axit benzoic được phép dùng (có hạn mức) trong trứng cá muối, bơ, nước giải khát không có cồn, nước tương và siro. Như vậy, thể theo điều 10 FSA đã nêu, dùng axit benzoic trong tương ớt chưa được cấp phép ở Nhật.

Các phụ gia không thuộc nhóm tự nhiên hay được dùng rộng rãi từ lâu ở Nhật được liệt vào nhóm phụ gia chỉ định. Loại này nếu muốn lưu hành trong thực phẩm phải được gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng Nhật Bản và trải qua Quy trình Phê chuẩn trên. Chúng cần chứng minh không tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe con người và việc dùng có lợi ích cho người tiêu dùng. Thông thường mất hai năm cho quy trình này, nghĩa là tương ớt Chin-su với chất bảo quản axit benzoic, trong trường hợp muốn lên kệ ở Nhật, phải nộp đơn và chờ hai năm mới có cơ hội được bày bán hợp pháp.

Dòng chữ với nội dung chỉ bán ở Việt Nam của một chai tương ớt Chin-su trong nước.

Dòng chữ với nội dung chỉ bán ở Việt Nam của một chai tương ớt Chin-su trong nước.

Không có nghĩa axit benzoic nguy hiểm ở nơi khác

Tài liệu "Chất bảo quản" do FAO phổ biến cho hay axit benzoic, dưới dạng muối benzoat, là chất bảo quản thực phẩm được sử dụng rộng rãi, phù hợp với thực phẩm có tính axit. FAO xếp axit benzoic vào nhóm phụ gia được khuyến cáo chống sự phát triển của vi sinh vật, thường được cho vào kèm axit sorbic. Hàm lượng phổ biến của mỗi axit này là dưới 0,2% cân nặng thực phẩm - 2 gram/kg.

FAO đồng thời cho biết các loại axit hữu cơ, dù được tạo ra tự nhiên trong quá trình lên men hay thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, từ nhiều năm nay được dùng để bảo quản thực phẩm. Trong đó, axit benzoic là loại rất xưa và có tác dụng chống nấm mốc.

Ngoài ra, axit benzoic góp mặt trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) với trên 180 quốc gia thành viên, gồm cả Việt Nam và Nhật Bản. Mỗi kg cơ thể người được phép hấp thụ 5 mg axit benzoic một ngày, mà không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe dẫu kéo dài cả đời.

Như vậy, tranh cãi Nhật Bản cấm phụ gia axit benzoic trong tương ớt mới dừng ở cấp độ pháp lý, chưa chứng minh được gây hại với sức khỏe.

Theo Thanh Tùng (Ngôi sao)

Khát vọng “đại bàng” kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW thu hút sự chú ý khi đưa ra tầm nhìn chiến lược nhằm mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quốc gia quan trọng.

Video