CEO VietJet Air nói về bản chất số tiền nhận được từ bán máy bay
Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạch toán doanh thu bán máy bay và các đối tác tài chính của VietJet.

Ngoài các thông tin từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham dự sự kiện cũng đặt ra một số vấn đề của Vietjet Air với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air.
Mục tiêu về thị phần trong những năm tiếp theo của Vietjet Air?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air: Vietjet Air có thể đạt thị phần xoay quanh 50%.
Về chiến lược phát triển chuyến bay quốc tế, hiện Vietjet Air đang khai thác chuyến đi Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và sắp tới là Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông,… để đưa tỷ trọng chuyến bay 80% nội địa và 20% quốc tế hiện nay lên 35% quốc tế và 65% nội địa.
Rủi ro hoạt động đặc thù của Vietjet Air là gì?
Rủi ro của Vietjet Air được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau như chính sách, thị trường, tài chính, vận hành...Tất cả đều được chúng tôi dự trù và đưa ra phương án cho từng kịch bản.
Về rủi ro tài chính, hiện Vietjet Air chỉ nợ khoảng 5.000 tỷ, chỉ bằng 1 tòa nhà khách sạn ở Tp. HCM hay Hà Nội, nhưng hiện chúng tôi đã có một đội bay với hàng chục chiếc. Chỉ số nợ/vốn của chúng tôi hiện chỉ khoảng 1 lần và sắp tới giảm xuống 0,7 lần sau khi phát hành tăng vốn. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn đặt chỉ tiêu nợ/vốn tối đa chỉ 2 lần, đảm bảo tài chính ổn định.
Hiện chi phí nhiên liệu chiếm 40% tổng chi phí hoạt động của Vietjet Air, Vietjet Air sẽ làm gì để giảm ảnh hưởng của tác động giá nguyên liệu tăng, ảnh hưởng đến phí và chính sách giá rẻ của mình?
Chiến lược giảm chi phí của chúng tôi đã có phương án cho vấn đề này. Cụ thể, Vietjet Air có một ban chuyên kiểm soát chi phí nhiên liệu, thực hiện một số biện pháp chính như sau:
1) kiểm soát vận hành và bảo dưỡng để tiết kiệm tối đa hao tổn;
2) Theo dõi diễn biến và lựa chọn nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế đảm bảo chất lượng xăng và hao hụt tối đa;
3) Ngoài ra, một phương pháp đang được áp dụng đó là ký kết với các ngân hàng để thực hiện giao dịch Hedging nhằm phòng ngừa rủi ro giá nguyên liệu tăng mạnh.
Về hoạt động bán máy bay của Vietjet Air, công ty đang hạch toán doanh thu bán máy bay rất lớn?
Bản chất đây là hoạt động Vietjet Air đặt mua máy bay từ các nhà sản xuất (với giá chiết khấu) và bán lại cho các công ty cho thuê tài chính (với giá tốt hơn giá mua, các công ty tài chính bình thường không thể mua được từ các nhà sản xuất máy bay với giá chiết khấu sâu như vậy). Sau đó các đơn vị cho vay này cho Vietjet Air thuê lại để khai thác. Do đó, đây không phải là doanh thu thương mại mà chỉ là bút toán hạch toán giá trị được mua từ các nhà sản xuất thấp hơn giá trị thị trường, cho nên bên cho thuê máy bay khi nhận máy bay của Vietjet Air phải trả cho Vietjet Air số tiền chênh lệch này. Đây là khoản thu được ghi nhận mỗi khi Vietjet Air nhận máy bay về.
Mỗi năm mình nhận khoảng mười mấy chiếc máy bay, mỗi khi nhận chiếc nào thì bên cho thuê phải đưa ngay cho mình một khoản tiền mặt, đây là lợi ích mình có được khi đặt máy bay từ nhà sản xuất và chuyển lại cho bên cho thuê.
Bản chất số tiền này làm cho chi phí nhận máy bay về khai thác của Vietjet Air thấp xuống, các phương pháp hạch toán này được thực hiện không chỉ theo chuẩn Việt Nam mà còn theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế IFRS.
Bà Thảo nói thêm rằng sau khi nhận xong máy bay đặt hàng đợt vừa rồi đến năm 2023 thì Vietjet Air vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu này vì hãng luôn áp dụng chính sách máy bay trẻ từ 3-5 tuổi.
Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề nhà đầu tư quan tâm đó chính là các đơn vị cho thuê tài chính nào hợp tác với Vietjet Air thực hiện các hợp đồng nhận và cho Vietjet Air thuê lại máy bay vẫn là một ẩn số khi thông tin về ngành này còn khá hẹp.