CEO Bosch Việt Nam: Hễ có cơ hội, tôi sẽ đầu tư vào Quảng Nam!
“Thông điệp tôi muốn truyền đạt cho các nhà đầu tư châu Âu là tỉnh Quảng Nam rất thuận lợi, có nhiều tiềm năng, cần nhận được sự quan tâm hơn nữa, nhất là những nhà kinh doanh muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch hay công nghệ phụ trợ cho ngành cơ điện và ô tô...”, ông Võ Quang Huệ, CEO Bosch Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Eurocham.

Đứng trên phương diện là Phó Chủ tịch Eurocham, ông có khuyến nghị gì đối với Quảng Nam để thu hút các nhà đầu tư châu Âu?
Hạ tầng là điều quan trọng. Tôi được biết hiện tỉnh đang có những kế hoạch rốt ráo để hoàn thiện những hạng mục này, ví dụ như sân bay Chu Lai. Nhìn nhận lại thì cơ sở hạ tầng đã tốt rồi, chỉ cần hoàn thiện hơn nữa. Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp châu Âu lớn đang đầu tư ở Quảng Nam, được 7 – 8 năm.
Tuy nhiên, hạ tầng chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng nhất theo tôi là phải phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đây phải là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh để đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghiệp cơ khí hay du lịch chất lượng cao như yêu cầu của Thủ tướng. Tỉnh phải có nhiều trường, tích hợp dạy nghề, dạy ngoại ngữ, đào tạo lực lượng lao động bài bản, trình độ cao.
Dự kiến của ông thì các doanh nhân đến từ châu Âu sẽ quan tâm đến lĩnh vực gì khi đến Quảng Nam?
Tôi cho rằng ngành du lịch và công nghệ phụ trợ sẽ thu hút họ. Khu kinh tế mà Trường Hải xây dựng có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên, còn rất sớm để trả lời cho câu hỏi đầu tư gì, như thế nào cho Quảng Nam.
Về phía Eurocham, chúng tôi đã coi Quảng Nam là địa điểm quan trọng hơn. Chúng tôi đã mở văn phòng đại diện ở khu vực miền Trung từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, tổ chức hoạt động thường xuyên hơn cho khu vực này, đặc biệt tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Còn đứng trên phương diện người con xứ Quảng?
Người Quảng Nam có nhiều điểm mạnh, tôi nghĩ là vậy. Bởi những khó khăn trong quá khứ, họ có tinh thần cố gắng, ham học hỏi, vươn lên. Họ cũng có những tình cảm gắn bó mật thiết với quê hương nữa. Nhiều người đi làm ăn xa, có cơ hội đã trở về.
Cá nhân tôi chưa có hoạt động đầu tư nào ở miền Trung cả. Nhưng không loại trừ cơ hội đó trong tương lai, đặc biệt là vào Quảng Nam. Tôi luôn mong muốn có thể tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp ở đây trong lĩnh vực tôi có chuyên môn.
Trong buổi làm việc ở Quảng Nam, Thủ tướng đã bày tỏ quan điểm muốn Việt Nam có ngành công nghiệp ôtô. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu này?
Tôi đã từng làm việc hơn 24 năm cho hãng BMW của Đức và từ năm 2007, tôi đầu quân cho Bosch trở về Việt Nam. Hiện nay nhà máy Bosch đầu tư tại Long Thành là nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành ô tô hàng đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật, Thái.
Do đó, tôi hiểu khá rõ những khó khăn của ngành công nghiệp này: Khó, phức tạp và đa dạng, nên để có thể cạnh tranh được với thế giới đòi hỏi các sản phẩm làm ra phải có chất lượng rất cao nhưng giá thành phải hợp lý. Yêu cầu như vậy nên nền công nghiệp ô tô phải là nền sản xuất lớn, không thể sản xuất nhỏ được.
Ví dụ như nhà máy của chúng tôi tại Long Thành, vốn đầu tư vào nay đã hơn 218 triệu Euro nhưng chỉ dùng để xây dựng nhà máy mỗi năm sản xuất trên 7 triệu thành phẩm cho duy nhất một sản phẩm, đó là dây đai cho hộp số tự động.
Công nghệ hiện đại, thành phẩm lớn,... nhờ thế chúng tôi mới có thể làm được việc 100% xuát khẩu đi Nhật. Do số lượng lớn nên chúng tôi đảm bảo được chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng đúng hẹn như yêu cầu của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô này.
Tôi cho rằng thời gian trước Việt Nam đã đi chệch con đường phát triển công nghiệp ô tô. 13 – 14 công ty lắp ráp ô tô với số lượng nhỏ khoảng vài ngàn thành phẩm cho 1 dòng xe thì không thể nào có được nền công nghiệp ô tô được. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.
Khi tôi nghe Trường Hải có ý định xây nhà máy lớn với 100 nghìn ô tô thành phẩm, tôi cho rằng đây là cơ hội tốt. Tuy nhiên, đứng trước những nền công nghiệp ô tô đi trước như Thái hay Indonesia, bên cạnh những dự án lớn như Trường Hải, chúng ta cũng nên quan tâm đến phát triển công nghệ hỗ trợ khác để tận dụng lợi thế khu vực nhằm xuất khẩu.
Trở về sau Hội nghị xúc tiến thương mại lần này, ông dự định nói gì với các nhà đầu tư châu Âu trong hiệp hội?
Hội nghị vừa rồi có sự tham dự của hầu hết các đại diện Bộ, ban, ngành Chính phủ, đại diện của tỉnh Quảng Nam cùng gần 1.000 người đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp. Đấy là điều rất tích cực. Thông điệp của tôi cho các nhà đầu tư châu Âu đang muốn tìm hiểu là: Quảng Nam là vùng đất rất thuận lợi, có nhiều tiềm năng, chúng ta cần quan tâm hơn nữa, nhất là đối với lĩnh vực du lịch và công nghiệp phụ trợ ngành cơ điện và ô tô.
Cảm ơn ông!
Theo Trí thức trẻ