Cảnh báo sản phẩm K6F2 được ‘chào bán’ điều trị COVID-19

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm K6F2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kmuravir® đang được bán “trao tay” với thông tin phòng ngừa, điều trị sau mắc COVID-19.
Cảnh báo sản phẩm được ‘chào bán’ điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo về sản phẩm K6F2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kmuravir® - Ảnh: VGP

Trên hộp sản phẩm này có ghi số tự công bố sản phẩm: 018/2021/CB-KMURA; không ghi tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; không ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; công dụng ghi "phòng ngừa các vấn đề về hô hấp do vi khuẩn, virus như viêm đường hô hấp cấp; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; giảm ho, giảm đờm, giảm đau rát họng, hỗ trợ lấy lại vị giác".

Cục An toàn thực phẩm khẳng định, thông tin ghi trên hộp sản phẩm như trên là sai quy định về ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đặc biệt, nội dung ghi công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm khoản 15 Điều 6 của Luật Dược. Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều về Luật An toàn thực phẩm thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký bản công bố sản phẩm với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm này lại thực hiện tự công bố sản phẩm là sai quy định.

Mặt khác, trên hộp sản phẩm có đóng dấu dòng chữ "NOT FOR SALE" – có nghĩa "Không được bán" nhưng lại bán cho người tiêu dùng. Như vậy, việc không đăng ký, việc ghi nhãn, ghi công dụng, bán sản phẩm như trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm nhận định, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và dịch cúm mùa với số bệnh nhân về đường hô hấp gia tăng, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số tổ chức, cá nhân đã tung ra thị trường các sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm K6K2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kmuravir® nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

- Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/  trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

- Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

- Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Theo Hiền Minh (Chinhphu.vn)

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Video