Cần Thơ tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng
![]() |
Năm 2022 - năm tăng tốc
Cùng với cả nước, kinh tế - xã hội Cần Thơ cũng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021. Thế nhưng bằng nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ trong việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, Cần Thơ vẫn thành công trong thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm. Năm 2021, TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD. Tính đến nay có 86 dự án FDI, với tổng vốn hơn 2 tỷ USD... Đối với đầu tư trong nước, TP Cần Thơ cũng cấp mới cho 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.622 tỷ đồng; Tính đến cuối năm thành phố có 104 dự án đang thực hiện, tổng diện tích 3.323 ha, tổng vốn đầu tư theo chủ trương là 135.615 tỷ đồng…
Xác định chủ đề năm 2022 là "Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố", từ đầu năm đến nay Cần Thơ đã nhanh chóng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố tiến hành tham mưu kế hoạch kiểm tra thường xuyên và định kỳ công tác giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư. Chủ động, tích cực hơn trong việc phối hợp với các phòng ban chuyên môn thuộc Sở và các Sở, ngành để giải quyết khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nhất là những dự án có sử dụng vốn ODA, những dự án giao thông quan trọng, các khu tái định cư.
![]() |
Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: “Năm 2022, thành phố xác định là năm tăng tốc thực hiện tất cả các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thực hiện chưa đạt trong năm 2021 phải thực hiện đạt cao với mức tăng trưởng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần của năm 2021 để thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.”
Tập trung phát triển KCN
![]() |
Nhìn lại tổng thể hoạt động xúc tiến đầu tư, Cần Thơ đánh giá cao việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã tạo điều kiện thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội. Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 8 khu công nghiệp tập trung. Tính đến nay, các KCN có 252 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1,779 tỷ USD, vốn thực hiện 1,158 tỷ USD. Trong đó, 225 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1,370 tỷ USD; 26 dự án FDI tổng vốn đăng ký 378,84 triệu USD và một dự án ODA có vốn đầu tư 21,13 triệu USD. Năm 2021, các doanh nghiệp trong các KCN Cần Thơ thực hiện các nghĩa vụ thuế ước khoảng 1.800 tỷ đồng.
Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Cần Thơ, nhất là các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN. Đặc biệt, TP Cần Thơ đang khẩn trương lập quy hoạch điều chỉnh Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ (500 ha tại quận Ô Môn) và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (900 ha tại huyện Vĩnh Thạnh). Theo các chuyên gia đánh giá, vị trí quy hoạch của 2 KCN này rất thuận lợi bởi tính kết nối liên vùng với các tỉnh lân cận. Khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm, do vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ có chi phí thấp nên việc triển khai sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
![]() |
Ngoài ra, TP Cần Thơ đã xây dựng danh mục các dự án KCN mới hoặc sẽ được mở rộng cùng chính sách ưu đãi linh hoạt và minh bạch để tập trung thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy, từng bước tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương khác.
Ưu tiên thí điểm các cơ chế đặc thù
Nhằm hỗ trợ chiến lược về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo đó, TP Cần Thơ được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 01 tháng 3 theo nghị quyết của Quốc hội. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với Cần Thơ - thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cơ thế thí điểm ưu đãi không chỉ kích hoạt Cần Thơ mà sẽ góp phần kích hoạt cả vùng cùng phát triển.
![]() |
Cụ thể, nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế, nếu đáp ứng một số điều kiện.
Cơ hội đã được trao, phần còn lại là bài toán triển khai và vận hành sao cho thật khoa học, hiệu quả và phù hợp với tầm nhìn phát triển dài hạn. Ngoài sự kích hoạt vận hành từ cơ chế thì cũng cần thiết phải có sự chung tay, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để có thể lan tỏa được những giá trị và mục tiêu ban đầu đã đề ra. Cơ hội, thách thức luôn song hành nhưng chính quyết tâm và sự kiên định với định hướng chỉ đạo ấy sẽ giúp Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tú Sương