Thời gian gần đây, thị giá cổ phiếu SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa gây nhiều chú ý. Đi cùng với đà tăng, nhiều giao dịch mua vào bán ra cổ phiếu từ các cổ đông nội bộ. Theo đó, SBT được giới phân tích quan sát và đưa ra nhiều nhận định.
Tách bạch với giao dịch bất thường của cổ phiếu,
nhiều bên nhìn nhận sau khi sáp nhập với Đường Biên Hòa, SBT đang trên đà tăng trưởng về kinh doanh với lợi thế từ quy mô và diện tích cánh đồng tăng mạnh. Cùng với đó, Chính phủ vừa qua đã ưu tiên
gia hạn việc thực thi Hiệp định ATIGA trong lĩnh vực đường đến năm 2020 nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thêm thời gian để cải tiến sản xuất, là một điểm sáng khác cho "ông lớn" SBT.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bên cạnh các yếu tố rủi ro về nguồn đường nhập lậu, còn
nhấn mạnh về tính minh bạch và hiệu quả của các khoản phải thu khách hàng.
21% doanh thu mảng đường giao dịch với các bên liên quan
Chi tiết, BVSC đặc biệt lưu ý đến các giao dịch và nghiệp vụ phát sinh với các bên liên quan thuộc Tập đoàn Thành Thành Công trong kỳ. Trong đó, với hoạt động bán hàng, Công ty phát sinh giao dịch bán đường thành phẩm qua kênh thương mại, chiếm khoảng 21% doanh thu mảng đường, chủ yếu là với các công ty liên quan.
Ngoài ra, SBT cũng phát sinh giao dịch mua hàng hóa và nguyên vật liệu, chủ yếu là đường thô và phân bón, với các bên liên quan, chiếm 36% tổng giá vốn hàng bán trong kỳ.
Chưa hết, BVSC cũng đặt dấu hỏi về tính minh bạch và hiệu quả của các khoản nghiệp vụ phải thu khách hàng và trả trước cho người bán ngắn hạn ghi nhận trong kỳ.
Cụ thể, cuối niên độ 2017-2018, SBT ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khách hàng bên liên quan khoảng 830 tỷ đồng, chiếm 50% khoản phải thu ngắn hạn khách hàng toàn Công ty.
Theo đánh giá của BVSC, vòng quay khoản phải thu nhóm khách hàng là bên liên quan này khoảng 3 lần, không thực sự tối ưu khi so sánh với vòng quay của các kênh tiêu thụ khác, đạt hơn 8 lần.
Cùng với đó, cuối niên độ Công ty cũng ghi nhận hơn 1.375 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn, chiếm hơn 41% giá vốn hàng bán phát sinh với các bên liên quan trong kỳ.
Lợi nhuận ròng niên độ 2018-2019 dự báo giảm 36% chỉ còn 350 tỷ đồng
Trở lại với SBT, mặc cho toàn ngành đường va vấp, kết thúc chu kỳ kinh doanh 2017-2018, SBT vẫn ghi nhận kết quả hết sức khả quan với doanh thu 10.364 tỷ, tăng 130% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 547 tỷ, tăng 61% so với niên độ trước đó.
So sánh kết quả kinh doanh niên độ 2017-2018 của các doanh nghiệp cùng ngành, chúng ta cũng nhận thấy SBT là đơn vị dẫn đầu về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
[caption id="attachment_105448" align="aligncenter" width="298"]
Nguồn: PHS.[/caption]
Dự báo cho niên độ tài chính 2018-2019, BVSC cho rằng doanh thu toàn công ty Thành Thành Công – Biên Hòa đạt 12.647 tỷ đồng, tăng 22%.
Được biết, nhằm chuẩn bị cho qua trình hội nhập sau ATIGA cũng như cạnh tranh với mặt hàng đường không thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, SBT dự tính giảm giá bán các sản phẩm truyền thống khoảng 9-10% cũng như cho ra mắt sản phẩm mới với giá bán cạnh tranh hơn.
Thực tế, sản phẩm Biên Hòa Saving của Công ty hiện có giá bán lẻ tại siêu thị là 18.000 đồng/túi 1 kg, thu hẹp khoảng cách với đường không bao bì nhãn mác ngoài thị trường bình quân khoảng 16.000-17.000/kg. Theo BVSC, mức chênh lệch chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg hiện nay bên cạnh lợi thế thương hiệu uy tín, sản phẩm của Thành Thành Công – Biên Hòa có cơ hội thách thức loại đường không nhãn mác bao bì ở kênh truyền thống.
Từ những cơ sở trên, lợi nhuận gộp Công ty ước đạt hơn 1.750 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ do chi phí giá vốn sản xuất đường bình quân giảm nhẹ 1,1% xuống 13.227 đồng/kg.
Song, về mặt chi phí, riêng chi phí nguyên liệu đường thô dự báo tăng, cùng với chi phí bán hàng/doanh thu thuần của SBT cũng tăng, theo BVSC nhằm giúp Công ty đẩy mạnh kênh tiêu dùng. Hơn nữa, chi phí tài chính BSVC ước SBT sẽ ghi nhận 552 tỷ do không còn khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng, dẫn đến lợi nhuận ròng Công ty ước đạt 350 tỷ đồng, tức giảm 36% so với cùng kỳ.