Bùng nổ thị trường thức ăn vặt
Ảnh minh họa
Dự báo được tiềm năng và mức độ tăng trưởng, nhiều nhà đầu tư, các nhà sản xuất trong và ngoài nước đã nhanh chóng hoạch định nhiều chiến lược cụ thể biến thế mạnh thành sức mạnh cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, có như thế mới tạo được bàn đạp để thực hiện tham vọng sớm đạt được vị trí dẫn đầu với ngành hàng được tính bằng đơn vị tỉ đô này.
Chiếm lĩnh toàn cầu với giá trị tỉ đô
Theo nghiên cứu của PMMI Business Intelligence, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thực phẩm ăn vặt toàn cầu ở mức 45%, tiếp theo là Bắc Mỹ với 33%. Dù là hai thị trường lớn nhất nhưng sức tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây. Điểm đáng chú ý là chỉ trong năm 2017, lĩnh vực này đã tăng gần 3,4 tỉ USD trên toàn thế giới thế, trong đó các nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh lại vụt sáng, đóng góp đáng kể với những chỉ số đầy tích cực. Dự báo khu vực này sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong ngắn hạn.
Từng bị coi nhẹ là sản phẩm không thiết yếu, sự lên ngôi của thức ăn vặt gián tiếp biểu thị sức mạnh chi tiêu cao của thị trường tiêu dùng nơi mà người dân đang có sự cải thiện đáng kể về thu nhập và thói quen tiêu dùng trong xã hội hiện đại. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, chi tiêu cho mỗi người mua đồ ăn vặt ở 4 thành phố đô thị lớn bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ đã tăng từ 914.000 đồng năm 2015 lên 1.068.000 đồng vào năm 2017. Ở thị trường nông thôn, chi tiêu tăng từ 547.000 đồng năm 2015 đến 619.000 đồng năm 2017. Tính đến năm 2018, trung bình mỗi tháng, người Việt trẻ dành 13.000 tỉ đồng để ăn vặt trong đó 8.000 tỉ đồng dành riêng cho việc tiêu thụ đồ ăn nhẹ (snack).
Các sản phẩm chế biến có lợi thế là rất đa dạng, nhất là tại Việt Nam với nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú thì hầu như những gì chế biến được đều có thể làm thành snack. Dựa trên nguyên liệu chế biến, có thể phân ra làm 3 loại: các loại snack chế biến chiếm tỉ trọng 33%, các loại hạt 30% và khoai tây chiên là 24%. Có lẽ ít ai ngờ được snack lại nghiễm nhiên trở thành phân khúc béo bở trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo và ngành hàng tiêu dùng nhanh với mức tăng 21%, vượt mức trung bình của ngành.
Các nhà đầu tư tăng tốc
Thực tế khá đáng buồn là sự tăng tốc này chỉ gọi tên các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài trong vị trí đầu bảng. Sau khi Kinh Đô được bán cho Mondelez, thị trường snack nội địa xem như phần lớn lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Các tên tuổi lâu đời trong nước với các dòng sản phẩm như snack dạng hạt (đậu phộng, đậu hà lan...) như Tân Tân, Tuyền Ký... hay các món hoa quả sấy của thương hiệu Vinamit tuy có những dấu ấn nhất định nhưng vẫn không vượt qua được sức hút của các dòng sản phẩm snack chế biến và snack khoai tây. Vì thế, họ cũng không có sự chi phối lớn đến thị trường tiêu dùng bánh kẹo chung.
Sự hội tụ trong top đầu của nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đều có điểm chung là sớm sở hữu các nhà máy sản xuất tại Việt Nam như O' Star và Toonies của Orion (Hàn Quốc), Oishi của Liwayway (Philippines), Poca của PepsiCo… Các thương hiệu lớn đã tạo nên mặt bằng khá đa dạng, cạnh tranh khốc liệt với mức độ phổ biến sản phẩm rộng rãi đến từng ngõ ngách nhỏ của thị trường.
Trước cơ hội còn nhiều “đất dụng võ” như thị trường snack, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài dốc sức tạo ra những thương hiệu snack mới đầy tham vọng. Cụ thể, PepsiCo đã triển khai thành công từ rất lâu dự án trồng khoai tây sạch tại Lâm Đồng với số vốn lên tới 30 triệu USD. PepsiCo sẽ cung cấp giống, kỹ thuật và quy trình trồng trọt cho nông dân theo công nghệ được chuyển giao từ tập đoàn mẹ. Toàn bộ khoai tây thu hoạch được sẽ phục vụ cho việc sản xuất bánh snack tại nhà máy ở Bình Dương có công suất khoảng 10.000 tấn khoai tây tươi/năm.Với PepsiCo, sau 3-4 năm đầu tư vùng nguyên liệu khoai tây, đây chính là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo cho mô hình kinh doanh này đạt tỉ suất lợi nhuận ròng 12-15% và đạt mức lãi cao.
Gần đây, Công ty TNHH Koikeya Việt Nam (Nhật Bản) đã bắt đầu xây nhà máy sản xuất bánh snack tại tỉnh Đồng Nai với quy mô vốn 8,7 triệu USD, công suất 4.200 tấn sản phẩm/năm. Koikeya Việt Nam đặt kỳ vọng, doanh số phân khúc snack vị cay sẽ đạt 200 tỉ đồng trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng chứng kiến sự mở rộng kim ngạch xuất khẩu của khoai tây chiên Bỉ - mặt hàng được nâng tầm thương hiệu khi được UNESCO chứng nhận là Văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiệp hội các nhà sản xuất và thương mại khoai tây của Bỉ cho hay họ sẽ xúc tiến giới thiệu và mở đường cho nhiều thương hiệu của Bỉ đến với Đông Nam Á bên cạnh các nhãn hàng quen thuộc như Agristo, Bart’s Potato, Clarebout Potatoes, Ecofrost and Mydibel…
Xu hướng đề cao sức khỏe
Theo Kantar Worldpanel, mỗi khu vực địa lý tại Việt Nam sẽ có sở thích và khẩu vị khác nhau. Về mặt hương vị, vị thanh nhạt được ưa thích ở phía Bắc, trong khi miền Trung và miền Nam thích vị cay và ngọt tương ứng. Đồ ăn nhẹ và các loại hạt, một trong những loại phát triển nhanh nhất chủ yếu được ưa thích ở miền Nam.
Không chỉ là món ăn vặt hằng ngày, snack còn trở thành một trào lưu được giới trẻ ưa chuộng. Ước tính trên thị trường hiện đã có khoảng trên 100 loại snack đủ thể loại và hương vị. Người tiêu dùng tại các thị trường đang phát triển và các đối thủ cạnh tranh ngày càng trở nên thông thái, nhanh nhẹn và tân tiến hơn. Để giành được thắng lợi và chiếm lĩnh thị phần, các nhà sản xuất phải liên tục thay đổi, cập nhật về hương vị, mẫu mã để duy trì sức hút.
Người tiêu dùng dù tận hưởng sự tiện lợi, đa đạng và hợp khẩu vị của các dòng sản phẩm snack nhưng sức khỏe vẫn luôn là yếu tố quyết định chính trên thị trường thực phẩm. Theo báo cáo của Nielsen, 83% người tiêu dùng đưa ra lựa chọn ăn kiêng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 79%. Khoảng 89% sẵn sàng trả giá cao hơn nếu điều đó đảm bảo là các sản phẩm thực phẩm chất lượng tốt hơn, thúc đẩy lợi ích sức khỏe. Về bao bì và nội dung, 88% người tiêu dùng Việt Nam đọc nhãn để biết về hàm lượng dinh dưỡng. Năm thuộc tính hàng đầu trong một sản phẩm thúc đẩy người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe là sự hiện diện của canxi, khoáng chất, vitamin và vi chất dinh dưỡng cũng như mức cholesterol thấp.
Với xu hướng tiêu dùng đề cao vấn đề về sức khỏe, các công ty, nhà sản xuất thức ăn vặt tại cả Việt Nam lẫn thế giới được dự đoán sẽ cần phát triển danh mục mới và tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có lợi để đáp ứng sở thích và nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng. Có như thế thì đà tăng trưởng tỉ đô của thị trường thức ăn vặt mới có thể kỳ vọng tạo nên nhiều bứt phá, tiếp tục phát huy thành tích khi vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày.
K.T