Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dư địa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất lớn

Có nhiều nút thắt, nhiều khó khăn khiến việc doanh nghiệp rót vốn đầu tư vào nông nghiệp vẫn là một bài toán nhiều trở ngại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đăng đàn trả lời những câu chuyện quanh vấn đề này.

Gỡ nút thắt, hút đầu tư

Mặc dù nông nghiệp là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Theo Bộ NN&PTNT, trên 96% doanh nghiệp tham gia vào ngành nông nghiệp đều là những doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Nguyên nhân khách quan khiến nhiều DN ngại đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, bấp bênh… Hơn nữa, nhiều DN ngại đầu tư vào nông nghiệp do khó tiếp cận đất đai và nguồn vốn.

Hiện nay các DN đã đầu tư theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ lấy phương châm lựa chọn doanh nghiệp là hạt nhân cốt yếu, làm nền tảng cho mọi liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo Bộ trưởng, đến nay, có khoảng 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp/gần nửa triệu DN đầu tư vào ba khu vực nền kinh tế. Số lượng thì còn ít chưa đến 1%, trong đó 90% số DN đầu tư là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Số DN lớn mang tính đầu tàu còn ít.

Bộ trưởng khẳng định “Đầu tư nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn. Với các địa phương hiện nay Trung ương còn phải điều tiết về ngân sách thì bản thân địa phương gặp khó trong kinh phí, bởi Trung ương chỉ tập trung dự án đầu tư lớn, phân khúc lớn”.

Bên cạnh đó, một số hình thức tín dụng hay trong vấn đề tiếp cận đất đai còn đang bất cập. Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan khảo sát, đánh giá, đề xuất tiếp tục có kiến nghị để Nghị định 210 sát thực tiễn hơn, khuyến khích DN đầu tư.

Một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn, hàng hóa. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay những khó khăn đang kìm hãm DN đầu tư có nhiều, trong đó điển hình là nút thắt đất đai. Tất cả DN đầu tư muốn sản xuất phải có đất. Đất nông nghiệp, năm 1993 đã thực hiện giao đất cho nông dân ổn định lâu dài, khi nhu cầu cần tập trung thì quá trình đối mặt trước mắt khó khăn.

Để giải quyết cho DN, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. Ví dụ tại tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức làm tốt hơn thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.

Ví dụ tiếp theo là tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha. Tuy nhiên, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

Tiếp theo là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân xúm vào cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với DN để DN làm mũi nào tốt nhất, còn HTX làm phân khúc hợp lý và giá thành thấp. Con đường này đúng luật.

Sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền. Tuy nhiên, chế tài làm cái này phải rõ hơn nhằm tạo điều kiện cho DN có đất tổ chức sản xuất.

dau-tu-nn-gat lua

Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn tìm hiểu, xúc tiến DN đầu tư vào nông nghiệp. Hai vấn đề nổi cộm được tập trung tháo gỡ thời gian tới là tích tụ đất để DN có điều kiện sản xuất; tập trung nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, chủ thể là HTX. Ban Kinh tế Trung ương sẽ chỉ đạo tiếp Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bộ, ngành liên quan tiếp tục bàn thảo sâu về hai vấn đề này.

Cú hích đầu tư

Theo Bộ trưởng, điều đáng mừng gần đây nhiều DN lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp, ví dụ Vingroup đã lập Vineco với số vốn 2.000 tỷ đồng với chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền. Sau 1 năm, qua quá trình tham quan, một số trở thành đã hiện thực sản xuất, ví dụ 46 nhà kính ở Tam Đảo, đang triển khai ở Hải Phòng và một số nơi.

Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Dabaco ở Bắc Ninh, một năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch.. DN đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp vào đầu tư trong nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tích tụ ruộng đất vào các đơn vị sản xuất này, Bộ trưởng cho biết cần làm rõ khi thực hiện chinh sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân cũng tính tới tích tụ, nên đã có quyền chuyển nhượng quyền đó cho người sản xuất lớn hơn. Luật quy định rõ điều này.

“Không phải cứ có đất là có đời sống. Đời sống nhân dân, việc làm nhân dân mới đáng chú ý. Sử dụng đất đã có chế tài quy định. Ai làm việc tốt hơn thì làm, sản xuất trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản trị để ra nhiều việc làm hơn. Thu nhập của người dân, DN và tổ chức sản xuất cũng cao hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Tín dụng cho nông nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay sản xuất của DN trong tình trạng chung, mọi điều kiện vốn tham gia sản xuất kinh doanh vẫn cần lượng lớn về tín dụng, thậm chí tới 80-90%. Trong nông nghiệp thời gian qua, tín dụng hệ thống ngân hàng thương mại có sự chuyển đổi nhanh. Ví dụ, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong 6 năm qua, tổng số đầu tư vào thì 51% là tín dụng. Trong mục nông thôn nông nghiệp tỉ lệ nợ xấu rất thấp.

Bộ trưởng khẳng định “Dư địa đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn rất lớn”.

Thời gian qua, DN ngân hàng thương mại đã tập trung có chuyển biến đầu tư bằng cải cách hành chính thủ tục. Trước yêu cầu thực tế, ngành ngân hàng phải tiếp tục đổi mới.

“Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tập trung vào các gói tái cơ cấu ngành hàng, cấp tỉnh, địa phương…, phối hợp tập trung sâu hơn vào tái cơ cấu theo hướng này”, Bộ trưởng cho hay.

Theo NDH

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video