Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT

Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Theo Bộ Tài Chính, tại Khoản 3, Điểm d Khoản 4 Điều 13 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Như vậy, kể từ ngày 1.1.2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26.6.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT).

​Thực hiện quy định của Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (Tờ trình Chính phủ số 145/TTr-CP ngày 6.10.2017). Đến nay, Nghị định chưa được ban hành.

​Để xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành (trong đó có Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT), Bộ Tài chính đã có Công văn số 638/BTC-QLCS ngày 16.01.2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH ngày 02/02/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.

[caption id="attachment_101426" align="aligncenter" width="640"] Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.[/caption]

Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận. Cụ thể gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 – Gamuda Gardens; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3) theo hình thức hợp đồng BT; thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, BOT trên địa bàn Hà Nội cũng đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, đối với UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, giai đoạn 2008 -2012 gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư (không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để lựa chọn) để thực hiện chủ trương đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Trên thực tế, đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là hình thức chỉ định thầu.

UBND TP Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Theo Trần Kháng Dân Việt

Tags:

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế vươn tầm quốc gia và khu vực

Vừa qua, trong chương trình giao lưu Văn hoá Kinh tế Việt - Nhật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế đã có buổi làm việc cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong việc hợp tác, trao đổi về y khoa, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

Kiến tạo không gian số quốc gia thống nhất

Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh và hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị.

“Phép thử” với doanh nghiệp Việt Nam

Dữ liệu là “mỏ vàng” của nền kinh tế số và cần có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt khi việc khai thác đang ngày càng mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp cần sớm thiết lập nền tảng vững chắc để bảo vệ.

Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Video