Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước trong danh sách “đen” cổ phần hoá chậm
Các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá chậm như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Ngân hàng Nhà nước... cần giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá.
[caption id="attachment_9611" align="aligncenter" width="700"]
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2015, đến ngày 10/11, cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 159 doanh nghiệp.
Như vậy, từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp trong tổng số 514 doanh nghiệp, đạt gần 80% kế hoạch.
Kết luận cũng đánh giá, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.
Trong đó, các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang.
Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, không thoái vốn bằng mọi giá. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay.
Trước đó, từng thông tin tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 Euromoney, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang từng thừa nhận, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm so với kế hoạch dù đã có nhiều nỗ lực.
Bộ trưởng Vinh cho rằng, chậm không chỉ số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá ít hoặc không đạt chỉ tiêu đặt ra trong 2 năm, quan trọng hơn là tỷ trọng cổ phần hoá khi có nhiều doanh nghiệp chỉ bán 5-10%, không thay đổi quản trị doanh nghiệp.
Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp cũng cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hoá còn nhiều, hầu hết là những doanh nghiệp lớn và Việt Nam mong muốn nhà đầu tư chiến lược mua mạnh hơn nữa.
Đồng thời, ông Muôn cũng cho rằng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhưng nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần sẽ chỉ có những nhà đầu tư lặt vặt tham gia, không tạo phấn khích cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo Bizlive