Bí mật đằng sau thành công của Wordle

Một trò chơi đơn giản được tạo ra làm quà cho cô người yêu mê đố chữ trở vừa trở thành ứng dụng triệu người chơi chỉ sau vài tháng.

Josh Wardle là một kĩ sư phần mềm hiện sống tại Brooklyn (New York, Mỹ). Năm 2013 khi còn làm ở Reddit, Josh có một dự án ngoài lề về một nguyên mẫu trò chơi trí tuệ. Vì chẳng có người bạn nào ủng hộ Josh trong dự án này nên anh cất nó vào một góc.

Josh Wardle đã tạo ra trò chơi thu hút hàng triệu người. Ảnh: PD

Từ một món quà tình yêu

Người yêu của Josh rất thích các trò đố chữ, nên suốt mùa đại dịch, hai người họ dành rất nhiều thời gian chơi trò giải ô chữ Spelling Bee và các trò đố chữ phổ biến khác trên tờ The New York Times.

Chính lúc ấy, Josh nảy ra ý tưởng về một trò đố chữ đặc biệt để hai người họ chia sẻ cùng nhau, và rồi anh tạo ra một trò mới dựa trên phần mềm nguyên mẫu năm 2013 lúc trước, đặt tên nó là Wordle (một cách chơi chữ với cái họ Wardle của Josh, và là một cách sở hữu bản quyền tiện lợi).

Trong trò chơi này, người chơi sẽ có tối đa 6 vòng đoán một từ bí mật có năm chữ cái, và trò chơi sẽ cho người chơi biết từ bí mật sẽ có những chữ cái nào và vị trí của từng chữ cái qua mỗi vòng đoán - người chơi thắng nếu đoán đúng từ bí mật. Một trò nghe hao hao “Chiếc nón kỳ diệu” ở Việt Nam.

Người yêu của Josh, cô Palak Shah, hỗ trợ anh trong việc làm nội dung: vì trò chơi chỉ sử dụng các từ tiếng Anh có năm chữ cái, nên trong số khoảng 12.000 từ trong từ điển thỏa tiêu chí này, cô chọn ra 2.500 từ thông dụng nhất (ấy thế mà thi thoảng vẫn có những đáp án lạ hoắc xuất hiện).

Yếu tố “mỗi ngày một lần” là điểm khiến Wordle cực kì gây nghiện

Luật chơi chỉ có vậy, Josh còn cố lược bỏ nhiều yếu tố để tăng độ đơn giản của Wordle: trò chơi được thiết kế trên một trang web có nền đen và những ô chữ có ba màu; trang web không quảng cáo, không chữ nhấp nháy, không cửa sổ bật lên mời gọi người chơi “tài trợ cho món ăn tinh thần này”; và vì là một món chơi cho vui nên mỗi người chơi chỉ có một lượt chơi - trung bình khoảng ba phút - mỗi ngày.

Thành một hiện tượng

Nhưng sau một lần giới thiệu trò chơi lên nhóm chat Whatsapp của gia đình Josh, rồi vài tháng trôi qua khi các thành viên trong gia đình Josh đều phát cuồng vì trò chơi mới, anh biết rằng mình đã tạo ra một hiện tượng.

Wordle ra mắt công chúng vào tháng 10/2021. Khoảng 3 tháng sau, trò chơi có 2.000.000 người tham gia.

Một thành công vang dội đối với một trò chơi giao diện đơn sơ và chỉ cho người ta chơi mỗi ngày một lần duy nhất. Yếu tố “mỗi ngày một lần” này - lấy cảm hứng từ chính trò Spelling Bee - là điểm khiến Wordle cực kì gây nghiện khi người chơi cứ mong ngóng ngày qua mau để nâng cao thành tích, hoặc tò mò không biết ngày mai sẽ là từ gì tiếp theo.

Còn những người xung quanh cũng hiếu kì mà tự tìm đến trò chơi để giải trí. Giữa tháng 12/2021, tính năng chia sẻ kết quả xuất hiện khiến càng nhiều người chú ý hơn.

Trong một lần phỏng vấn, Josh cho biết: “Tôi nghĩ mọi người quan tâm đến Wordle đơn giản vì nó vui. Chỉ cần bạn chơi khoảng 3 phút đồng hồ mỗi ngày, không hơn; vốn dĩ trò chơi là vậy. Mong muốn ban đầu khi tôi tạo ra Wordle chỉ là để làm người yêu tôi vui, vì cô ấy mê Spelling Bee và các trò đố chữ.”

The New York Times đã bổ sung Wordle vào bộ sưu tập đố chữ. Ảnh: Getty

Một Flappy Bird mới?

Vì những đặc điểm trên, Wordle được so sánh với một huyền thoại làng game rất huy hoàng nhưng rồi vụt tắt, đó là Flappy Bird. Cả hai có rất nhiều điểm chung như: mỗi trò chơi đều do cá nhân tạo ra với mục đích riêng của chính cá nhân đó, và các tác giả của cả hai trò chơi ngay từ đầu đều không định công bố chúng; kinh phí làm game gần như bằng 0; cách chơi cực kì đơn giản; người chơi dễ dàng chia sẻ kết quả; kết quả không nhằm mục đích ganh đua mà chỉ để giải trí.

Ngoài ra, còn một điểm chung nữa là khởi đầu cho kết cục khác nhau của hai trò chơi: vì cả 2 quá thành công chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cho các tác giả bị chịu sức ép cực lớn. Cuối cùng, Flappy Bird bị biến mất khỏi các trang ứng dụng chỉ sau vài tuần phát sốt đầu năm 2014.

Nhưng Wordle lại may mắn hơn nhiều. Tờ The New York Times đã không bỏ qua cơ hội bổ sung trò chơi vào bộ sưu tập đố chữ của họ (cùng với đó là cơ hội to lớn để giữ chân và tăng lượng độc giả): tháng 01/2022, tờ báo chính thức sở hữu Wordle sau khi chi một cái giá bảy con số. Đến giờ, tờ này vẫn đều đặn đăng lời giải ô chữ Wordle hằng ngày.

Theo Lê Quốc (Diễn đàn Doanh nghiệp)

Nâng bước những Startup thành “kỳ lân”

Nền kinh tế số của chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào 2022 và 2023. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, cũng như làm “bàn đạp” vững chãi cho các doanh nghiệp lớn mạnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng được xác định là ba yếu tố góp phần nâng tầm vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế của các yếu tố này, cần khơi thông “điểm nghẽn” cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Di sản của Tổng giám đốc Sumitomo Jun Ohta

Ông chọn Việt Nam là 1 trong 4 thị trường trọng tâm và dưới sự điều hành của ông, Sumitomo đã đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực thị trường trọng tâm.